Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng: Kinh nghiệm từ Vietcombank

PV.

Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW), nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khai mạc tại Hà Nội sáng ngày 14/10/2015. Tham dự Đại hội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, cùng Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và 296 đại biểu của 35 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối DNTW. Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT đã có bài tham luận “Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tái cơ cấu TCTD, bài học kinh nghiệm tại Vietcombank” được Đại hội đánh giá cao...

Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank trình bày tham luận tại Đại hội
Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank trình bày tham luận tại Đại hội

Với vị thế là một NHTM chủ đạo và chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, trong những năm qua, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã luôn tích cực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu, tiên phong trong quá trình chuyển đổi hoạt động, từ việc nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hoá ngân hàng tới thực hiện thành công cổ phần hoá và lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài… “Tái cơ cấu” với VCB đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu VCB giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống, VCB là Ngân hàng tiêu biểu trong thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2010 - 2015. Kết quả đó là:

Quy mô tăng trưởng nhanh, cơ cấu hoạt động chuyển dịch tích cực và đúng hướng, hiệu quả hoạt động ngày càng được cải thiện.

VCB duy trì tốc độ tăng trưởng tổng tài sản bình quân từ 16% đến 17%/năm cho giai đoạn 5 năm, tổng tài sản đạt ~ 577 ngàn tỷ đồng. Tăng trưởng huy động vốn từ nền kinh tế và tín dụng bình quân đạt từ 18 đến 20%/năm, cao hơn so với trung bình toàn ngành. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kỳ hạn theo hướng tăng cường các nguồn vốn chi phí thấp để có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay. Cơ cấu tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và đúng với định hướng chiến lược VCB đã đặt ra.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng: Kinh nghiệm từ Vietcombank - Ảnh 1

Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu tại Đại hội

Về hiệu quả tài chính, trong bối cảnh có nhiều cạnh tranh, song VCB luôn đạt kết quả tài chính cao và ổn định. Quy mô lợi nhuận của VCB luôn duy trì vị trí thứ nhất, thứ hai trong toàn ngành Ngân hàng, cơ cấu thu nhập đa dạng với tỷ trọng thu dịch vụ chiếm tới hơn 30% trong tổng thu nhập. Với kết quả đó, 5 năm qua VCB đã đóng góp cho NSNN gần 10 ngàn tỷ đồng - là một trong 10 doanh nghiệp có số nộp thuế lớn nhất cả nước.

Mô hình tổ chức tiếp tục được chuẩn hoá, hệ thống mạng lưới được mở rộng và củng cố.

Nợ xấu được kiểm soát và xử lý tích cực, kết quả thu hồi nợ đã có những chuyển biến mang tính đột phá; đạt các chỉ số an toàn theo quy định của NHNN và của pháp luật; Năng lực tài chính được củng cố và nâng cao

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát giảm về 2%. Công tác thu hồi nợ đặc biệt được chú trọng đẩy mạnh với những cách làm mới, tạo ra kết quả đột phá.

Quy mô vốn chủ sở hữu của VCB đã được tăng mạnh. Đến nay, vốn chủ sở hữu của VCB đạt ~ 46 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 2 trong toàn ngành Ngân hàng, hệ số an toàn vốn CAR của VCB đạt ~ 12%, cao hơn mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế (9%).

Công tác quản trị điều hành có nhiều đổi mới và chuyển dịch tích cực; từng bước áp dụng các chuẩn mực hiện đại trong quản trị

VCB đã hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro tập trung theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Chú trọng đầu tư hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung nguồn lực nghiên cứu, triển khai đồng bộ các dự án nâng cao năng lực quản trị.

Bên cạnh tái cơ cấu thành công, VCB còn tích cực tham gia hỗ trợ một số NHTM yếu kém trong quá trình tái cơ cấu. Từ kết quả thực hiện tái cơ cấu của VCB thời gian qua, Đảng bộ VCB rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tái cơ cấu tại các TCTD:

Một là, công tác lãnh đạo chỉ đạo phải đảm bảo nhất quán, xuyên suốt, có phân công phân nhiệm rõ ràng và thường xuyên rà soát, đánh giá; phải thực sự quyết tâm, trách nhiệm.

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt, thống nhất của Đảng uỷ, Ban lãnh đạo là nhân tố quyết định, là yếu tố cốt lõi tạo dựng mục tiêu và chiến lược lâu dài, tạo dựng năng lực và thành công cho quá trình phát triển của cả hệ thống. Phân công, phân nhiệm cụ thể rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân. Thường xuyên đánh giá, rà soát kết quả thực hiện để kịp thời định hướng, đôn đốc, giám sát đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đặt ra.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng: Kinh nghiệm từ Vietcombank - Ảnh 2

Đoàn đại biểu Đảng bộ Vietcombank chụp hình lưu niệm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Đảng ủy Khối DNTW

Hai là, các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra phải gắn với nội dung tái cơ cấu và phù hợp với bối cảnh chung của ngành, của nền kinh tế.

Những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra phải trên cơ sở phân tích đánh giá nội tại, định hướng mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, từ đó gắn với các giải pháp triển khai.

Tiên phong đổi mới và chuyên nghiệp là truyền thống và thế mạnh giúp VCB luôn làm chủ được mọi tình huống, phát triển bền vững và ổn định. Thực tế cho thấy, Đảng uỷ, Ban lãnh đạo VCB luôn đặt mục tiêu kinh doanh của ngân hàng trong sự lớn mạnh và thành công của nền kinh tế, hài hoà giữa lợi ích của ngân hàng với các doanh nghiệp và lợi ích chung của toàn xã hội.

Ba là, phải tập trung hợp lý mọi nguồn lực, phát huy mạnh mẽ nội lực của cả hệ thống.

“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, để quá trình tái cơ cấu được liên tục, mang lại hiệu quả thiết thực đòi hỏi sự chung tay góp sức, tâm huyết và trí lực của mọi cán bộ, trong đó có vai trò gương mẫu đi đầu của mỗi Đảng viên. Đổi mới, chuyển đổi, tái cơ cấu… cần phải được bắt đầu từ chính mỗi cán bộ Đảng viên, người lao động.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu của các TCTD Nhà nước nói chung và VCB nói riêng trong thời gian tới nhằm đạt được những mục tiêu chung, quan trọng, thay mặt Đảng bộ Vietcombank, đ/c Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT cũng đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung tại Đại hội, bao gồm:

Đối với Chính phủ:

Một là, xác định lộ trình cho phép giảm tỉ lệ sở hữu vốn của Nhà Nước tại các NHTM Nhà nước xuống tới 51% để các NHTM chủ động có kế hoạch cũng như phát tín hiệu đối với thị trường.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các DNNN, thực hiện tái cơ cấu nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để hệ thống NHTM xử lý nợ xấu, lành mạnh hoá tài chính và tăng trưởng tín dụng.

Ba là, chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai đồng bộ các chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước, qua đó góp phần tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước thành công.

Bốn là, xây dựng một đến hai NHTM trụ cột, có tầm cỡ khu vực, làm trụ cột cho cả hệ thống; Tạo điều kiện để các ngân hàng này tham gia mua, bán, sáp nhập với các TCTD phù hợp; tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành riêng lẻ...VCB đã và đang sẵn sàng theo lộ trình này.

Đối với Đảng uỷ Khối:

Một là, đề nghị đưa nội dung đánh giá việc thực hiện tái cơ cấu DNNN thành một nội dung trọng tâm trong đánh giá kiểm điểm công tác hàng năm.

Hai là, kiến nghị tiếp tục báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép xây dựng mô hình tổ chức Đảng toàn hệ thống đối với các NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng trong toàn hệ thống, tạo điều kiện thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và phát triển của các NHTM.

“Tái cơ cấu TCTD nói riêng, các DNNN nói chung trong giai đoạn hiện nay chính là yếu tố then chốt đảm bảo thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Chính phủ nhằm đưa nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Quá trình đó chắc chắc sẽ còn không ít khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp uỷ Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống, quá trình đó nhất định sẽ thành công” - đ/c Nghiêm Xuân Thành khẳng định.