PV: Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các DN thuộc Vinashin là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thực hiện vụ này không thể thiếu vai trò của DATC. DATC đã chuẩn bị gì cho sứ mệnh này thưa ông?

Nâng tầm DATC cho sứ mệnh mới - Ảnh 1
Ông Phạm Thanh Quang,
Tổng giám đốc DATC
Ông Phạm Thanh Quang: Để thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu các DN thuộc Vinashin, trước mắt DATC đã thành lập Tổ công tác do Lãnh đạo DATC điều hành để trực tiếp làm việc với Vinashin và các cơ quan liên quan.

Đồng thời, DATC đang xúc tiến thành lập Phòng chuyên trách về Vinashin, chịu trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu, làm việc trực tiếp, điều phối hoạt động của các đơn vị, các trung tâm, chi nhánh của DATC trong việc tham gia mua bán nợ và tái cơ cấu các DN của Vinashin.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực hoạt động, DATC đã chủ động đề xuất trình Bộ Tài chính tham gia dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để nâng cao năng lực hoạt động cho DATC thông qua chương trình hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DATC, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao quản trị DN...

Đồng thời, kiến nghị đến các cơ quan hữu quan tháo gỡ các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của DATC; hỗ trợ DATC nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và nâng cao vị thế của DATC.

Được biết, lãnh đạo DATC và Vinashin đã có những buổi làm việc chính thức để tìm phương hướng hợp tác xử lý nợ. Ông có thể “hé lộ” về các nội dung, phương án mà hai bên đã thống nhất?

Thời gian gần đây, lãnh đạo DATC và Vinashin đã có những buổi làm việc trực tiếp để thảo luận tìm ra phương hướng hợp tác xử lý nợ. Đến nay, về cơ bản đã định hướng một số giải pháp xử lý nợ cho Vinashin như: DATC sẽ xem xét hỗ trợ tái cơ cấu các DN của Vinashin và nghiên cứu một số giải pháp đồng bộ để xử lý triệt để nợ cho Vinashin. Các giải pháp này hiện đang trong giai đoạn đầu triển khai, vừa làm vừa tìm ra phương án giải quyết tốt nhất nên việc thông tin ra ngoài còn hơi sớm và khi các bên chốt được phương án DATC sẽ công bố.

Qua nghiên cứu trên sổ sách và khảo sát thực tế danh sách các DN của Vinashin đang cần xử lý nợ, DATC có nhận xét gì về các DN này?

Các DN của Vinashin hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: xây lắp, vận tải thủy, vận tải biển, đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, thương mại, dịch vụ... Trong đó, nhiều DN có vốn góp chủ yếu bằng thương hiệu hoặc có vốn góp của các DN thành viên Vinashin và phần lớn DN hoạt động trong cùng ngành nghề nên khó tránh khỏi sự cạnh tranh lẫn nhau.

Bên cạnh đó, nhiều DN đang gặp nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ, vốn điều lệ chưa được góp đủ (chủ yếu là phần cam kết góp vốn của Vinashin) nên dẫn đến thiếu vốn chủ sở hữu buộc phải dừng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng, gánh nhiều khoản nợ lớn như nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế, nợ lương cán bộ công nhân... Cùng với đó, rất nhiều DN có quan hệ vay nợ với Công ty tài chính Vinashin hoặc với Tập đoàn. Có thể nói, nhiều DN thuộc Vinashin đang trong tình trạng nợ chồng nợ cần được giải quyết.

Với hơn 200 DN của Vinashin đang cần xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, liệu DATC sẽ thực hiện được bao nhiêu phần trăm?

Sau khi tiếp nhận danh sách các DN thuộc diện tái cơ cấu của Vinashin, DATC đang tiến hành rà soát, đánh giá và làm việc trực tiếp với từng DN để lựa chọn các DN đủ điều kiện tái cơ cấu. Hiện nay, việc đánh giá DN này mới đang trong giai đoạn khởi động nên chưa thống kê được chính xác bao nhiêu phần trăm sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, tôi cho rằng, sẽ có một số lượng lớn DN sẽ được DATC xử lý nợ gắn với tái cơ cấu, các DN không đủ điều kiện thì sẽ kiến nghị giải thể, phá sản.

Vậy, tiêu chí lựa chọn và phương hướng xử lý nợ của DATC đối với các DN này như thế nào, thưa ông?

Cũng giống như bất kỳ DN nào khác mà DATC đã và đang thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ của các DN thuộc Vinashin, chúng tôi cũng đặt ra các tiêu chí chung. Tiêu chí đầu tiên DATC đưa ra là DN phải có khả năng phục hồi; chủ sở hữu, DN và các chủ nợ phải hợp tác với DATC thực hiện tái cơ cấu DN và khi thực hiện tái cơ cấu phải đảm bảo hiệu quả xã hội, hiệu quả của DN, chủ nợ và của DATC.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với nguồn vốn còn hạn hẹp, trong khi cơ chế, chính sách còn rất “bó” sẽ là “rào cản” lớn cho DATC trong xử lý nợ xấu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thực tế, qua hơn 6 năm hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN dù một số cơ chế, chính sách hoạt động còn rất “bó” nhưng DATC đã sử dụng hiệu quả, quay vòng nhanh số vốn được cấp ban đầu là 2.000 tỷ đồng để xử lý được hơn 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho nền kinh tế và hiện đang thực hiện đàm phán xử lý khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu…

Với vai trò và kết quả đã đạt được trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN, nhất là tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty trong đó có Vinashin, DATC đã được Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm theo hướng xem xét nâng cấp hoạt động về quy mô và năng lực của DATC thông qua Đề án tái cơ cấu DATC. Đồng thời, tiến hành rà soát, tháo gỡ các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của DATC nhằm tạo cơ chế cho DATC hoạt động hiệu quả nhất.

Để DATC tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vai trò và vị thế của mình trong bối cảnh hiện nay, ông có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách?

Các kiến nghị về cơ chế, chính sách đã được DATC tổng kết cụ thể đưa vào Đề án tái cơ cấu DATC. Theo đó, để tăng cường năng lực hoạt động, hỗ trợ quá trình xử lý nợ tồn đọng và cổ phần hóa DNNN và tham gia quá trình tái cơ cấu tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và xử lý nợ các ngân hàng thương mại thì DATC cần được xác định là một DN đặc thù, hoạt động của DATC theo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn vốn nhà nước, có cơ chế tiền lương đặc thù và cơ chế trích lập dự phòng rủi ro đặc thù.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách cho hoạt động của DATC nhằm hỗ trợ quá trình xử lý nợ, tái cơ cấu DN như cơ chế hỗ trợ tài chính, bảo lãnh các DN tái cơ cấu để hỗ trợ DN, tái cơ cấu xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh...

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2013

Nâng tầm DATC cho sứ mệnh mới

PV.

(Tài chính) Việc tham gia xử lý nợ và tái cơ cấu các doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang được xem là yếu tố quyết định sự thành công thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn này. Để hiểu thêm về vai trò và giải pháp của DATC trong tái cơ cấu Vinashin, Tài chính & Đầu tư có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Quang – Tổng giám đốc DATC xung quanh vấn đề này.

Xem thêm

Video nổi bật