Ngân hàng chậm chưa lên “sàn” vì đâu?

Theo kinhtevadubao.vn

(Taichinh) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến khích thúc đẩy ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhưng đến nay, tại hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có 10 trong tổng gần 30 ngân hàng thực hiện niêm yết. Sự chậm trễ này do đâu?

Các ngân hàng vẫn đang đưa ra nhiều lý do “trì hoãn” việc lên sàn. Nguồn: internet
Các ngân hàng vẫn đang đưa ra nhiều lý do “trì hoãn” việc lên sàn. Nguồn: internet

Sự chậm trễ

Ngay từ đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 657/NHNN-TTGSNH, ngày 29/1/2015 về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ngân hàng thương mại cổ phần. Tại văn bản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chi nhánh trực thuộc tại các tỉnh, thành phố đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (lên sàn) Tuy nhiên, trong số gần 30 ngân hàng đang hoạt động, đến nay mới có chưa đến 10 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Những ngân hàng đã có mặt trên sàn chủ yếu là các tên tuổi lớn, như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MB, SHB, NVB… Những cái tên khác vẫn chưa thấy công bố thông tin (lộ trình) cụ thể về kế hoạch niêm yết.

Thậm chí, mùa đại hội cổ đông năm 2015 của các ngân hàng vừa diễn ra, thì trong số gần 20 ngân hàng chưa niêm yết, mới chỉ có 1 ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm 2015, còn lại vẫn chưa có ngân hàng nào "nhúc nhích".

Trên thực tế, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là không bắt buộc, mà chỉ khuyến khích thúc đẩy các ngân hàng lên sàn chứng khoán. Vì thế, các ngân hàng vẫn đang đưa ra nhiều lý do “trì hoãn” việc lên sàn.

Và lý do đưa ra là…

Thực tế, 1-2 năm trước, khá nhiều ngân hàng thương mại từng có ý định lên sàn niêm yết, nhưng hiện chuyển động cho kế hoạch này của các ngân hàng còn khá “ì ạch”. Cụ thể là:

Năm 2013, Hội đồng quản trị ngân hàng Đông Á đã lên kế hoạch trình Hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đến năm 2014, Ngân hàng này đột ngột thông báo hủy bỏ 100 triệu cổ phiếu tăng vốn và sang năm 2015 vẫn tiếp tục lỗi hẹn với các cổ đông. Hay như kế hoạch niêm yết đã được HDBank trình cổ đông trong nhiều kỳ đại hội cổ đông trước, song lãnh đạo HDBank cho biết, trong 2 năm qua, Ngân hàng phải thực hiện kế hoạch nhận sáp nhập DaiA Bank và mua lại Công ty Tài chính SGVF. Trong khi đó, một số ngân hàng đại chúng khác cũng chưa kịp thực hiện kế hoạch lên sàn đã phải sáp nhập, hợp nhất trước chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, như: Southern Bank, DaiA Bank…

Trao đổi về nội dung này vớibáo Giao thông, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đông Á Cao Sỹ Kiêm cho biết, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đưa cổ phiếu ngân hàng vào giao dịch là mong muốn của ngân hàng và cổ đông. Sau khi kế hoạch niêm yết bị hoãn lại, ngân hàng đã củng cố hoạt động, tiến hành các hoạt động kiểm toán để xử lý những vấn đề tồn tại, đáp ứng các điều kiện để đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch niêm yết, ông Kiêm cho hay: “Ngân hàng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các điều kiện theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán, chưa có thời gian cụ thể”.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Ngân hàng cho biết “lý do cân nhắc quyền lợi của cổ đông chiếm tới 60% trong việc ngân hàng đó có lên sàn hay không. Còn 40% thuộc về 2 nhóm lý do là sự sẵn sàng minh bạch và những tồn tại ngân hàng đó được khắc phục như thế nào trong tiến trình tái cơ cấu. Mỗi ngân hàng có một đặc thù, quy mô và năng lực tài chính... khác nhau, nên tốc độ xử lý hai yếu tố trên có ngân hàng nhanh, nhưng cũng có ngân hàng chậm. Vì thế, có ngân hàng đẩy nhanh kế hoạch lên sàn và cũng có ngân hàng ngừng lại”.

Việc các ngân hàng “ngại” lên sàn có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên thường tập trung vào một số nguyên nhân, như: bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi, niêm yết sẽ gây thiệt hại cho cổ đông khi thị giá cổ phiếu giao dịch ở mức thấp, ngân hàng phải đối mặt với nợ xấu, hoặc phải ưu tiên cho những mục tiêu khác… Hóa ra, chủ yếu do ngoại cảnh, không phải do điều kiện đề một ngân hàng cổ phần được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân này đã không được tính đến một cách thật nghiêm túc. Nhưng để đáp ứng những điều kiện này các ngân hàng cổ phần phải tự vươn lên…! Mà nếu có lên sàn, không bảo đảm hoạt động hiệu quả, giả sử lỗ 2 năm liên tục, thì UBCKNN cũng xin «mời» xuống, đâu phải chuyện lên được mà đã là «ngon»!

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc ngần ngại lên sàn của các ngân hàng có thể lý giải, thời điểm hiện nay không thuận lợi. Nếu vẫn buộc phải niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì giá cổ phiếu sẽ giảm, không có lợi cho ngân hàng. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng, một nguyên nhân khác khiến các ngân hàng chậm chế lên sàn là do nếu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, thêm một lý do khá quan trọng cản trở cho lịch niêm yết của ngân hàng chính là sở hữu chéo, trong khi mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho hành trình niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng là phải xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, đồng thời kỹ vọng sự công khai, minh bạch của công ty đại chúng giúp tránh được sở hữu chéo trong tương lai...

Có thể nói, xét cho đến cùng cho việc các ngân hàng chậm trễ niêm yết trên sàn chứng khoán là có nguyên nhân từ nội tại các ngân hàng: Tính tuân thủ còn yếu, trình độ quản trị điều hành và kiểm tra giám sát hoạt động ngân hàng của các nhà quản trị ngân hàng chưa cao. Điều này dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, tạo nhiều kẽ hở cho các hiện tượng như sở hữu chéo xuất hiện, gây cản trở đến những hoạt động nhằm công khai minh bạch thông tin của các ngân hàng, tác động xấu đến toàn hệ thống.

Phải chăng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần có động thái mạnh mẽ hơn hai từ “khuyến khích”?