Ngân hàng cuối năm: Hối hả cho vay, tất tả đòi nợ

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Tháng cuối năm cũng là tháng nước rút để các ngân hàng tăng dư nợ cho vay. Nhiều ngân hàng tìm cách lôi kéo khách hàng để giải ngân trước khi kết thúc năm 2013, nhưng cũng đang bận rộn tranh nhau từng khoản tài sản thế chấp.

Ngân hàng cuối năm: Hối hả cho vay, tất tả đòi nợ
Thủ tục vay vốn ngân hàng tại thời điểm này khá thuận tiện. Nguồn: internet
Chạy đua giải ngân cuối năm

Cùng với việc chăm sóc với cách khách hàng truyền thống, tại thời điểm này các ngân hàng đẩy mạnh cho nhân viên của mình tìm đến các khách hàng nhỏ lẻ. 

Nhân viên tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần ANZ tư vấn cho khách hàng nếu vay mua nhà thì đương nhiên phải chứng minh thu nhập của cả vợ lẫn chồng, còn các thủ tục vay cũng như cách thức chứng minh tài khoản không hề phức tạp.

Theo chị Đào Nhã Phương (Kim Liên – Hà Nội), chị vay tiền để mua nhà tại ngân hàng BIDV. Hàng tháng chị phải trả cả gốc lẫn lãi 5 triệu đồng. Việc làm thủ tục vay được hướng dẫn kỹ càng, rồi đến khi giải ngân cũng rất nhanh.

Bình luận về việc các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, cuối năm các ngân hàng đẩy mạnh việc này không phải điều lạ. Vì đây là lúc họ gấp rút hoàn thành kế hoạch năm của mình.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Viettinbank cũng nói với phóng viên rằng, tìm cách giải ngân đưa vốn ra nền kinh tế nhưng điều quan trọng nhất là đảm bảo được sự an toàn. Ông Du cũng cho rằng, "có ý kiến nói rằng hạ chuẩn tín dụng để đẩy vốn” nhưng  ngân hàng không thể đi theo cách mạo hiểm này. Nếu không thẩm định hồ sơ rõ ràng, hệ quả sẽ là nợ xấu. Bản thân các doanh nghiệp phải thông cảm với ngân hàng, nếu hồ sơ tốt thì không có lý gì để không giải ngân.

Thời điểm cuối năm, cận Tết, nhu cầu về các khoản vay theo mùa của doanh nghiệp được dự báo lớn. Thêm vào đó, theo đánh giá của các tổ chức kinh tế độc lập, nền kinh tế Việt Nam đang dần thoát đáy nên sức khỏe của các doanh nghiệp hồi phục. 

Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, nhu cầu của khách hàng hạn chế nên nhiều ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng cuối năm cũng không dễ dàng. Nhiều ngân hàng khi giải ngân tiền đã không xây dựng phương án đòi nợ nên khốn khổ với quá trình canh, giành tài sản thế chấp

Giành giật tài sản thế chấp

Thông tin nhiều ngân hàng cho nhân viên tín dụng đến canh chừng tài sản là hàng hóa thế chấp tại một doanh nghiệp một lần nữa lại nóng. Những diễn biến tiêu cực một kho tài sản được thế chấp cho vay tại nhiều ngân hàng cho thấy nguy cơ nợ xấu của ngân hàng với mối nguy dây chuyền rất lớn.

Hồi tháng 6, cả khối ngân hàng lao xao sự kiện Khu Công nghiệp Quất Động, thôn Quất Tỉnh, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội liên tục có hàng chục nhân viên các ngân hàng lớn, xếp thành vòng trong vòng ngoài để cùng nhau canh giữ 1 kho inox. Công ty cổ phần Inox Âu Mỹ đã dùng kho hàng là thép cuộn, inox để vay vốn tại ngân hàng Quốc tế (VIB), Quân đội (MB), Nam Việt (Navibank), An Bình (ABBank) SeABank, Liên Việt. 5 ngân hàng này cho nhân viên tín dụng lẫn bảo vệ đến căng lều dựng bạt dùng xe tải, xe container án ngữ trước cổng công ty không để "nội bất xuất, ngoại bất nhập”. 

Ngày 6/12 tiếp tục cảnh 7 ngân hàng cùng giành nhau 1 kho cà phê tại Bình Dương. Kho hàng của Công ty Trường Ngân gồm 7 khoang, trong đó chỉ có khoang thứ 2 đang bị cưỡng chế theo thỏa thuận của Ngân hàng Phương Đông - OCB và Trường Ngân. Các khoang còn lại cũng chứa cà phê thế chấp. Các ngân hàng gồm MB, MSB, VietinBank, VIB, OCB, Agribank và Techcombank là chủ nợ của Trường Ngân đã cho người đến để giành nhau tài sản thế chấp.

Diễn biến cuộc tranh giành vẫn chưa đi đến hồi kết khi một nửa kho cà phê đang chứa lẫn lộn giữa cà phê và các loại tạp chất. Trường Ngân vay thế chấp với 7 ngân hàng với giá trị lên đến hơn 600 tỷ đồng (tương đương 12.000 tấn cà phê), nhưng số lượng thực tế trong kho vỏn vẹn chưa đến 1.000 tấn.

Nhiều ngân hàng cho biết, đến cuối năm việc thu hồi nợ càng trở nên gấp rút. Không những hối hả cho vay mà còn hối hả đòi nợ. Đối với những khoản nợ có khả năng mất vốn, ngân hàng nào mạnh ai nấy làm, tranh thủ vớt vát tài sản thế chấp.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: đây là kết quả của việc làm chạy theo tài sản thế chấp. Đáng lẽ khi cho vay ngân hàng nên cùng khách hàng lên phương án trả nợ thì không lâm vào cảnh "nằm vùng đòi nợ”.  

TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, bản thân các ngân hàng cũng cố làm mọi cách để có lợi cho riêng mình không nên đặt bất kỳ một chỉ tiêu nào trong tăng trưởng tín dụng. Ông nhắc lại câu giới ngân hàng là "vay thì đứng, đòi nợ thì quỳ”. Nếu không kiểm soát tốt câu chuyện tăng trưởng tín dụng thì vay phải quỳ, cho vay cũng phải quỳ, đến khi đòi nợ thì có lẽ nằm luôn”.