Ngân hàng kém “mặn mà” với vốn dài hạn

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cuối tuần qua cho thấy, phần lớn doanh số giao dịch trên thị trường ngân hàng trong tuần cuối của tháng 4 chủ yếu được các ngân hàng giao dịch ở kỳ hạn ngắn.

 Ngân hàng kém “mặn mà” với vốn dài hạn
Phần lớn doanh số giao dịch trên thị trường ngân hàng trong tuần cuối của tháng 4 chủ yếu được các ngân hàng giao dịch ở kỳ hạn ngắn. Nguồn: internet

“Ế ẩm” vốn dài hạn

Cụ thể, NHNN dẫn số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho hay, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần đến ngày 26/4 đạt xấp xỉ 111.967 tỉ đồng và bằng USD quy đổi đạt 95.290 tỉ đồng. Song các giao dịch VND trong tuần này chủ yếu vẫn tập trung vào kỳ hạn qua đêm (chiếm 38% tổng doanh số VND), hai tuần (chiếm 23%) và một tuần (chiếm 18%). Tương tự đối với giao dịch bằng USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất bao gồm kỳ hạn qua đêm, hai tuần và một tuần với tỉ trọng lần lượt chiếm 54%, 14% và 13% tổng doanh số giao dịch bằng USD.

Một diễn biến đáng chú ý nhất trong tuần báo cáo chính là xu hướng lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó lãi suất bình quân các kỳ hạn từ qua đêm đến một tháng trong tuần dao động trong khoảng 1,75-3,0%/năm, giảm từ 0,15–0,25%/năm so với tuần trước đó. Diễn biến khá trùng lặp là lãi suất giao dịch bình quân USD trên thị trường cũng có xu hướng giảm nhẹ ở các kỳ hạn dưới một tháng và tăng nhẹ đối với đa số các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm đến hai tuần dao động trong khoảng 0,25–0,65%/năm, giảm 0,01-0,1%/năm so với tuần trước đó.

Lý giải về xu hướng giảm đồng loạt của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, một tổ chức đầu tư nhìn nhận, nguyên nhân chính giải thích cho xu hướng biến động của lãi suất trong tuần xuất phát từ nhu cầu nhận nguồn của các ngân hàng ở mức thấp và không thường xuyên trong khi các ngân hàng lớn chào nguồn vẫn đều đặn. Đây cũng là nguyên nhân vì sao các ngân hàng chủ yếu giao dịch ở kỳ hạn dưới 1 tháng trong khi nhu cầu vốn ở kỳ hạn trên 1 tháng không nhiều và hầu như không có giao dịch.

Ngân hàng vẫn thừa vốn

Ở một diễn biến khác, tuần nói trên cũng là tuần thứ hai liên tiếp không có TCTD tham gia đấu thầu trên thị trường mở (OMO) mặc dù NHNN vẫn chào thầu 1.000 tỉ/mỗi phiên với lãi suất 5,5%/năm, kỳ hạn 7 ngày trong lúc cũng không có tiền OMO đáo hạn trong tuần. Ngược lại, NHNN trong tuần phát hành tới 21.550 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 và 91 ngày, giảm 42,1% so với tuần trước. Lãi suất tín phiếu của cả hai kỳ hạn sau khi giảm về mức 2,5% và 3,5% lần lượt tăng lại lên mức 2,6% và 3,9% vào ngày cuối tuần. Với khối lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần đạt 10.781 tỉ đồng, lượng hút ròng trong tuần tương ứng với con số 10.769 tỉ đồng.

Diễn biến trái ngược trên các thị trường nói trên có thể xuất phát chủ yếu từ yếu tố tăng trưởng tín dụng khá thấp trong khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng luôn được duy trì ở trạng thái dồi dào. Một tổ chức đầu tư đồng quan điểm khi cho rằng, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 chậm cải thiện và thấp hơn rất nhiều so với mức 2,11% ở cùng kỳ năm 2013, trong lúc thanh khoản hệ thống luôn trong trạng thái khá dồi dào là nguyên nhân khiến các ngân hàng không có nhu cầu vay vốn trên thị trường mở và tích cực mua vào tín phiếu.

Sự chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn cao với mức tăng thấp của tín dụng dường như tiếp tục tác động rất lớn tới kết quả trên thị trường mở cũng như nhu cầu nắm giữ tín phiếu của các ngân hàng. Ở tuần giữa tháng 4, các ngân hàng cũng không tham gia đấu thầu trên thị trường mở, đồng thời tiếp tục nắm giữ thêm 37.198 tỉ đồng tín phiếu do NHNN phát hành. Với tín hiệu tăng trưởng tín dụng bắt đầu hồi phục mạnh trong tháng 4 theo các số liệu vừa được NHNN công bố mới đây, trạng thái trầm lắng của thị trường mở nhiều khả năng sẽ được cải thiện đáng kể trong hai tháng cuối của quý II/2014.