Ngân hàng lo "thắt lưng buộc bụng"

Theo vnexpress.vn

Hoạt động kinh doanh khó khăn, trích lập dự phòng ngày càng tăng... buộc các ngân hàng phải tìm cách "thắt lưng, buộc bụng" lên kế hoạch tiết giảm tối đa chi phí để giải bài toán lợi nhuận cho cổ đông.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016, đạt 921 tỷ đồng thu nhập từ lãi thuần, tăng 3%, nhưng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 337 tỷ trong kỳ khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 24 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 415 tỷ của cùng kỳ năm trước. Do đó, mục tiêu có lợi nhuận để đưa cổ phiếu ra khỏi danh mục cảnh báo đang là thách thức.

"Ông lớn" BIDV trong ba tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng hợp nhất đạt 4.068 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên đến 1.991 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ trước cũng khiến cho lợi nhuận trước thuế chỉ còn 2.077 tỷ, giảm 8,6% so với quý I/2015.

Tương tự, SHB trích lập dự phòng 168 tỷ đồng trong quý I/2016, gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2015. Vì vậy, dù ngân hàng ghi nhận 473 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kéo lợi nhuận xuống còn 244 tỷ. So với kế hoạch năm 2016, SHB mới thực hiện được gần 23% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Với tình hình trên, để có thể đạt được kết quả lợi nhuận như cổ đông kỳ vọng, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển tín dụng, dịch vụ nhằm tăng doanh thu thì các ngân hàng chỉ còn một cách duy nhất là "thắt lưng buộc bụng", tức tìm cách tiết giảm tối đa chi phí hoạt động như chi phí nhân viên, ban lãnh đạo, hội đồng quản trị...

Điển hình như Ngân hàng Sài Gòn - SCB, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ban lãnh đạo bị chất vấn bởi tỷ suất lợi nhuận hiện vẫn ở mức thấp, trong khi chi phí nhân viên cao. Lợi nhuận đạt 117 tỷ trong khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi 57 tỷ (chiếm 40%), đó là chưa kể sự bất hợp lý về cơ chế thù lao Hội đồng quản trị là tính tỷ lệ được hưởng trên tổng chi phí, thay vì tỷ lệ phần trăm trên tổng lợi nhuận sau thuế.

Chia sẻ vấn đề này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, ban lãnh đạo đã tiếp nhận ý kiến của cổ đông nên năm nay xin mức thù lao thấp hơn năm trước (năm 2015 thù lao hội đồng quản trị là 12 tỷ đồng, năm nay 11 tỷ).

Ngoài ra, ông Văn lý giải do ngân hàng đã trải qua việc tái cơ cấu 3 năm nên những việc cần thiết như mạng lưới, hình ảnh, công nghệ thông tin... đều cần phải có khoản chi phí. "Mọi chi phí phát sinh không phải từ lương bổng, mà tất cả đều là đầu tư cho hoạt động của ngân hàng", ông nói và hứa ban lãnh đạo sẽ tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để tăng lợi nhuận cho nhà băng.

Thực tế là trong quý I/2016, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro của SCB đã giảm mạnh, còn lần lượt 492 tỷ và 186 tỷ đồng (cùng kỳ ở mức 832,5 tỷ và 400 tỷ đồng).

Các ông lớn như BIDV, Vietcombank... cũng cho hay, để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận nhưng vẫn có dư địa giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, ban lãnh đạo sẽ cố gắng tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí quản lý. Theo đó, thông tin từ BIDV cho biết, từ nay đến cuối 2016, ngân hàng này sẽ nỗ lực tiết giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến qui trình nghiệp vụ,...

Các ngân hàng khác như Techcombank, Maritime Bank, Sacombank cũng cho biết đang tìm cách tăng tổng thu nhập trong khi kiểm soát chi phí hoạt động ở mức hợp lý. "Đây là bài toán khó, nhưng nếu quyết tâm thì chúng tôi sẽ làm được", một lãnh đạo Techcombank chia sẻ.

Lãnh đạo của Sacombank cũng nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện naythì việc tiết giảm chi phí hoạt động là mộttrong những giải pháp trọng yếu, có tính thiết thực và khảthi cao.

Trong quý I vừa qua, Ngân hàng Quốc Dân thuộc diện nhà băng vừa tự tái cơ cấu nhưng chi phí hoạt động trong kỳ cũng đã tiết giảm 2,6% còn 148 tỷ đồng. Kết thúc ba tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 10 tỷ đồng.