Ngân hàng lo trích lập dự phòng rủi ro

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Những con số lợi nhuận liên tục được phá vỡ, cùng với đó số tiền chi cho trích lập dự phòng rủi ro cũng đang thiết lập một kỷ lục mới. Tại một số ngân hàng, phần trích lập dự phòng còn cao hơn phần lợi nhuận giữ lại.

Hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” về tín dụng thời gian qua khiến nợ xấu tăng cao, đến nay vẫn chưa xử lý được bao nhiêu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” về tín dụng thời gian qua khiến nợ xấu tăng cao, đến nay vẫn chưa xử lý được bao nhiêu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017, khối ngân hàng thương mại Nhà nước đang có mức trích dự phòng rủi ro lớn nhất. Riêng số trích lập của BIDV, Vietinbank trong quý III lên tới 18.213 tỷ đồng.

“Vật” cản lợi nhuận 

Mấy năm gần đây, BIDV luôn giữ vị trí quán quân trích lập dự phòng. Trong quý III, báo cáo tài chính của BIDV cho thấy nhà băng này đã dành 11.553 tỷ đồng trích từ lợi nhuận riêng lẻ (17.556 tỷ đồng), khiến lợi nhuận giảm còn 1/3 (6.003 tỷ đồng).

Một đơn vị khác cũng có mức trích lập nghìn tỷ trong quý III/2017 là Vietinbank, lợi nhuận lên tới 13.895 tỷ đồng, nhưng phải trích gần một nửa lợi nhuận cho dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận nhà băng này giảm còn 7.232 tỷ đồng. 

Vietcombank tuy có mức trích lập thấp nhất trong top đầu nên lợi nhuận dù thấp hơn hai ngân hàng trên, sau trích lập, vượt lên dẫn đầu hệ thống, đạt 7.934 tỷ đồng.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, do quy mô tín dụng thấp hơn các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức trích lập cũng thấp hơn. Trong đó, VPBank trích lập dự phòng rủi ro 5.620 tỷ đồng, ACB trích lập 1.423 tỷ đồng… 

Dự phòng chiếm một nửa là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng này giảm, bởi trước khi có vật cản này, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của các nhà băng đều tăng mạnh so với cùng kỳ. VPBank đạt 11.255 tỷ đồng và ACB là 3.332 tỷ đồng.

Có mức trích lập dự phòng rủi ro cao là MBBank, lên đến 1.799 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng đầu năm 2016 là 1.162 tỷ đồng). Tính đến 30/9, nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,33%, tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm 2016 (ở mức 0,9%).

Nợ xấu chủ yếu tăng ở các nhóm 4, 5. Cụ thể, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 34,8% ở mức 642 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 986 tỷ đồng, tăng 60,5% so với cuối năm 2016.

Do đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này quý III đạt mức 1.477 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng năm 2016; luỹ kế 9 tháng đạt 4.002 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng, lợi nhuận giảm đã đáng kể.

Ngân hàng tăng quản trị rủi ro

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng cường trích lập rủi ro là do các ngân hàng vẫn “sống” dựa vào tín dụng. Ngân hàng càng lớn, cho vay càng nhiều thì lãi càng cao. 

Tuy nhiên, hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” về tín dụng thời gian qua khiến nợ xấu tăng cao, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được bao nhiêu. Do đó, dù lợi nhuận thu về rất lớn, song nhiều ngân hàng đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.

Bên cạnh đó, việc ngân hàng Nhà nước quy định tại Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro phải “gọi đúng tên” nợ xấu để phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn khiến cách tính nợ quá hạn sẽ bao gồm cả nợ nhóm 2. 

Ngoài ra, tỷ lệ trích lập dự phòng theo quy định mới cũng có điều chỉnh tăng lên ở một số nhóm. Do vậy, hầu hết các ngân hàng phải tăng lượng tiền trích lập dự phòng để đảm bảo trích đủ, trích đúng.

Một lý do nữa được các chuyên gia phân tích là “cây đũa thần” VAMC đã được trao “quyền lực” trong tay nhưng số nợ xấu của ngân hàng vẫn chưa được xử lý ở công ty này vẫn còn rất lớn. Tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu thời gian tới.

“Số nợ xấu bán đã được xử lý thậm chí còn không đủ bù số nợ xấu mới gia tăng. Điều này buộc các ngân hàng phải tự bỏ tiền túi của mình ra để xử lý”, một chuyên gia nhìn nhận.

Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần phía Nam bộc bạch, đây là thời kỳ mà các ngân hàng buộc phải quay về giá trị thực của hoạt động ngân hàng. 

Các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng để hoạt động lành mạnh, an toàn chứ không phải là sự đánh bóng với con số lợi nhuận không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe. 

“Bởi vậy, việc đẩy mạnh trích lập dự phòng trong các quý trong năm là cần thiết. Các ngân hàng cũng tránh được cú sốc sụt giảm lợi nhuận cuối năm”, vị này bình luận.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho rằng ngân hàng Việt Nam muốn dẫn đầu thì phải chạy nhanh, miễn là có khả năng quản trị rủi ro tốt. “Mức trích lập dự phòng rủi ro của VPBank rất cao, cho thấy ngân hàng rất thận trọng và hoàn toàn đủ khả năng xử lý toàn bộ nợ xấu”, ông Vinh nói.