Ngân hàng lớn đón ngân hàng nhỏ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tại sao các ngân hàng (NH) lại dồn dập đánh tiếng về khả năng M&A của mình? Đối với các định chế tài chính thì một trong những yếu tố giúp họ tồn tại và phát triển là phải có lực đủ mạnh. Nguồn lực ấy bao gồm: vốn, năng lực quản trị, lãnh đạo, kỹ năng và tính chuyên nghiệp nhân viên. Để tăng nguồn lực, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) chọn giải pháp M&A.

Ngân hàng lớn đón ngân hàng nhỏ
Để tăng nguồn lực, nhiều TCTD chọn giải pháp M&A. Nguồn: internet
Bên cạnh đó, câu chuyện sở hữu chéo giữa các NH, cho vay sân sau… đã, đang tác động không mấy tích cực với hoạt động của chính các NH. Vì vậy, những ông chủ NH cũng muốn tái cấu trúc nguồn lực đầu tư của mình.

Không nên quá nôn nóng

Tưởng như lộ trình tái cơ cấu các TCTD chững lại, nhưng sau tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình: “Năm 2014, NHNN triển khai đợt 2 trong kế hoạch tái cơ cấu các TCTD với quyết tâm hết sức mạnh mẽ”, các thương vụ sáp nhập hợp nhất bỗng trở nên sôi động. Theo người đứng đầu ngành Ngân hàng, sau khi NHNN vào thanh tra hoặc thuê các công ty kiểm toán độc lập lớn vào kiểm toán chất lượng tín dụng tại một số TCTD, quý II/2014 dự kiến sẽ có hàng loạt TCTD buộc phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu. Dự kiến sẽ có khoảng 6 - 7 TCTD được xử lý qua các hình thức hợp nhất, sáp nhập trong năm 2014.

Phân tích của giới chuyên gia tài chính - ngân hàng (TC-NH) cho thấy, sở dĩ các TCTD tự chọn năm 2014 làm “mùa” sáp nhập của giai đoạn 2 là hoàn toàn phù hợp với lộ trình Quyết định 254/QĐ-TTg về Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015. Điều này cũng thể hiện quan điểm không nóng vội từ phía cơ quan quản lý là sau giai đoạn xử lý dứt điểm cơ bản 9 TCTD, mới tiếp tục xử lý các TCTD tiếp theo. “Có thể hiểu rằng, những cái tên được xử lý trong giai đoạn 1 được xem là những TCTD yếu kém và có nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng nhất tới hệ thống đã được sắp xếp lại trước rồi mới đến các TCTD khác” – một chuyên gia lý giải.

Bên cạnh đó, thời điểm này là mùa tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các NH nên chương trình tái cấu trúc được các NH tranh thủ trình cổ đông tham gia ý kiến hay thông qua phương án tái cơ cấu, như trường hợp của MDB sáp nhập vào Maritime Bank.

Diễn biến mùa ĐHCĐ cho thấy, sự rậm rịch cho các bước tái cơ cấu tiếp như hiện nay đã được cơ quan quản lý chuẩn bị từ trước. Theo nguồn tin của chúng tôi thì ngay từ đầu năm 2014, NHNN đã nhận được trên 30 phương án tái cơ cấu, trong đó gồm cả phương án của các TCTD đang hoạt động bình thường và có cả các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Cũng chính vì mới chỉ là phương án nên thị trường thời gian qua rộ những thông tin đồn đoán NH A sáp nhập với NH B hay C, ngoại trừ trường hợp Sacombank với Southern Bank và Maritime Bank với MDB đã được các bên có liên quan chính thức khẳng định.

Việc xôn xao thông tin khả năng PG Bank sẽ về làm “con” cho VietinBank, nhưng vẫn giữ nguyên thương hiệu “xăng dầu”, dù đã được PG Bank cải chính, cũng làm cho dư luận cảm nhận được thông điệp từ phía NHNN khuyến khích các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối “đón” những NHTMCP nhỏ về ở cùng một nhà. Không chỉ VietinBank mà một ông lớn khác là Vietcombank cũng đang có ý định sáp nhập một NHTMCP nhỏ với vốn điều lệ mới chỉ 3.000 tỷ đồng về để đẩy mạnh một mảng sản phẩm đang còn chưa xứng với tiềm lực của NH này.

Sau tái cơ cấu vẫn được giám sát

Những NHTMCP được nhắc đến trong đợt tái cơ cấu lần này có cả những NHTMCP nông thôn chuyển sang NH đô thị; các NH có vốn điều lệ thấp; NH quy mô nhỏ đang gặp khó khăn, hoặc cơ hội cho sự phát triển rất thấp. Đặc biệt là những NH vốn xuất phát điểm ở thị phần nông thôn trước đây, nhưng lại muốn vươn ra để tìm lợi nhuận từ nhu cầu của thị trường rộng lớn, cả ở khu vực đô thi, khu công nghiệp… và hệ quả là không đủ sức chịu được sức ép cạnh tranh khắt khe của thị trường. Và thay vì cố gắng tăng vốn, mở rộng mạng lưới, dịch vụ thì phương án sáp nhập, hợp nhất sẽ tốt hơn cho họ nếu tìm được đối tác có tiềm lực.

Một lãnh đạo cấp cao của NHNN khẳng định, tất cả các phương án cơ cấu NHTMCP yếu kém trong năm 2013 kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án tái cơ cấu được NHNN chấp nhận, nhiều NH đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện, khắc phục sai phạm, yếu kém dưới sự quản lý của NHNN.

Trọng tâm của NHNN trong năm 2014 là tiếp tục tạo điều kiện cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện để xử lý các TCTD yếu kém và nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, việc tái cơ cấu được thực hiện toàn diện trên các mặt về tài chính, quản trị, hoạt động ở tất cả các nhóm TCTD với trọng tâm là các TCTD yếu kém, NHTM Nhà nước và TCTD phi NH.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC – NH, Đề án tái cơ cấu các TCTD được thực hiện đến năm 2015, vì thế chỉ còn khoảng thời gian hơn 1 năm nữa sẽ đến thời hạn xác định cho một mục tiêu đã được ấn định trước. Chính vì vậy, sự nhộn nhịp trong mùa ĐHCĐ của các NHTMCP năm nay là tất yếu, khi NHNN xác định vẫn còn 6 - 7 NH nữa cần sáp nhập, hợp nhất. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho một NH tái cấu trúc rất bộn bề thủ tục, nên bản thân các NHTM trong diện tái cơ cấu cần phải biểu thị sự quyết tâm cao hơn. Cụ thể, ngay cả với những trường hợp đã xác định sẽ “về cùng một nhà” cũng còn rất nhiều vấn đề để họ có thể chung sống hòa thuận trong tương lai.

Theo TS. Võ Trí Thành, các TCTD không chịu nhiều ép buộc từ cơ quan quản lý mà chính sự vận động của thị trường buộc các NH phải sáp nhập lại, nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhất là đối với các NH đồng chủ sở hữu thì việc sáp nhập lúc này là phù hợp. Vì trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các khoản đầu tư tràn lan trước kia đang tỏ ra không hiệu quả nữa. Trong khi đó, các NH này lại đang cần một nguồn vốn bổ sung để tiếp tục cho các kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai. Và việc họ chung sức, đồng lòng sẽ giúp tăng cường về năng lực vốn, minh bạch hóa, giảm thiểu rủi ro sở hữu chéo và dòng tiền được giám sát rõ ràng hơn.