Ngân hàng năng động để hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

Khách hàng không phải đến chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng mà chỉ cần bấm smartphone để thực hiện các giao dịch tiền tệ. Đó được xem là xu thế mà các ngân hàng Việt Nam cũng phải tham gia trong bối cảnh hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thanh toán điện tử mới đạt 5%

Phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại và đẩy mạnh thanh toán điện tử là vấn đề đang được các bộ, ngành liên quan đặt ra. Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu các Bộ Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kết nối, sớm tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân thanh toán điện tử.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, dịch vụ ngân hàng số hóa ở nhiều nước đã phát triển mạnh. Đơn cử, ở châu Âu dịch vụ mobilebanking không còn xa lạ và hiện tại họ đang đẩy mạnh số hóa lên một bước. Tại nhiều nước trong châu lục này, khách hàng giao dịch chủ yếu qua dịch vụ ngân hàng điện tử và con số này chiếm tới 95%.Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Bùi Quang Tiên, thực tế thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp. Năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) đã tăng nhanh, dự kiến có thể đạt 250.000 POS cuối năm 2015, tuy nhiên số lượng thanh toán chưa nhiều.

Đại diện Vụ Thanh toán cũng cho rằng, tương lai ngân hàng số (Digital Banking) sẽ tích hợp với smartphone. Bởi hiện nay thẻ có hai loại là vật lý và phi vật lý (ép trên các con chíp). Nhưng thời gian tới, thẻ chíp này sẽ là chủ đạo. Do đó, Việt Nam cần xây dựng các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho xu hướng này trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiếp xúc.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho biết, số hóa phải hiểu theo 2 nghĩa là số hóa bên trong và số hóa bên ngoài. Số hóa bên ngoài là tất cả các giao dịch và tiện ích của ngân hàng dành cho khách hàng. Hiện, OCB đã có một số sản phẩm giao dịch theo hình thức số hóa bên ngoài. Đặc biệt, năm 2015 OCB có cả dự án Digital Banking để phát triển các ứng dụng số trong hoạt động kinh doanh ngân hàng và sắp tới có một loạt các sản phẩm mới ra theo hướng đó.

Số hóa thứ hai, theo ông Tùng là số hóa tất cả các quy trình thủ tục trong nội bộ ngân hàng. Khi loại hình này thành công, sẽ tác động tới tốc độ xử lý các giao dịch với khách hàng. Hiện, Digital Banking được xem là dự án trọng tâm của OCB và năm 2016 một số dịch vụ sẽ đi vào hoạt động.

Kỹ thuật số - kỷ nguyên mới của ngân hàng

Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho rằng, kỷ nguyên mới của ngành ngân hàng là kỹ thuật số. Với Việt Nam, dù là nước đi sau thì thời gian tới chắc chắn cũng phải theo xu hướng này. Vì vậy, hiện nay, các tác nghiệp, quản lý trong nội bộ ngân hàng đều được thực hiện điện tử. Điều đó cho thấy toàn hệ thống đã đón đầu xu hướng và tỏ ra quyết liệt trong việc số hóa hoạt động của mình.

Tuy nhiên, theo khảo sát của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Ngân hàng cho thấy, hiện nay có khoảng 57% khách hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mong muốn ngân hàng có mạng xã hội để tương tác và giao dịch. Các yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, thậm chí nhiều người còn tuyên bố nếu ngân hàng không dùng mạng xã hội trong tương tác thì họ không giao dịch, do đó đây cũng là vấn đề phải quan tâm.

Trước thực trạng này, Phó tổng giám đốc Lãnh đạo Dịch vụ tài chính khu vực ASEAN và Ernst and Young Singapore Liew Nam Soon cho rằng, vấn đề số hóa hiện nay tác động tới nhiều ngành kinh tế chứ không riêng gì lĩnh vực ngân hàng. Chúng ta đang nói nhiều hơn tới ngân hàng điện tử và đa số khách hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất muốn các dịch vụ công nghệ mới, số hóa nhưng cũng có nhóm khách hàng thích thú với hoạt động ngân hàng truyền thống. Các dịch vụ ngân hàng của Việt Nam hiện nay còn hạn chế, có thể do nguyên nhân hạn chế về công nghệ và do nguồn vốn dành để đầu tư công nghệ còn khó khăn.

Từ các phân tích trên cho thấy, yếu tố có thể trở thành động lực để các ngân hàng theo đuổi dịch vụ số hóa chính là thị trường. Ví dụ như tham gia TPP, ngân hàng sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường các nước và với số hóa thì không nhất thiết phải mở chi nhánh, phòng giao dịch vẫn có thể vươn tới các khách hàng ở nhiều khu vực khác nhau. Yếu tố nữa là ngân hàng có thể sử dụng công nghệ số hóa để tăng lợi nhuận với nhiều sản phẩm hoặc tích hợp với các nhà cung cấp dịch vụ khác để cung cấp các dịch vụ khác nhau, mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng trong thời gian tới. Đặc biệt, với Việt Nam - quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet và smartphone ở mức khá cao cũng là điều kiện cho sự chuyển dịch, đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số.