Ngân hàng ngoại lấn sâu thị trường nội

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngày càng nhiều ngân hàng nước ngoài thành lập văn phòng đại diện, hoặc mở rộng quy mô hoạt động tại nước ta, thậm chí còn rục rịch tiếp cận doanh nghiệp nội – vốn là khách hàng của ngân hàng trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đầu tháng 3 này, Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan chính thức mở hai văn phòng đại diện ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để đáp ứng nhu cầu thương mại và đầu tư tăng cao của các công ty Thái Lan đang hướng vào Việt Nam. Trước đó, từ năm 2011, ngân hàng này đã xây dựng mạng lưới dịch vụ ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank). Đại diện Kasikorn Bank cũng cho biết, trong tương lai, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép mở chi nhánh, ngân hàng này sẽ mở rộng số lượng văn phòng đại diện ở Việt Nam với nhiều chi nhánh ở khắp cả nước để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có cả hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Với sự hiện diện của Kasikorn, nước ta đã có hơn 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 50 chi nhánh ngân hàng ngoại, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và một số ngân hàng liên doanh. Số ngân hàng 100% vốn nước ngoài vừa tăng lên con số 6 khi ngày 23.3 vừa qua, NHNN đã có văn bản cho ý kiến về việc thành lập ngân hàng 100% vốn Malaysia của Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) tại Việt Nam. Theo đó, Thống đốc NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc việc PBB được tiếp nhận toàn bộ phần vốn góp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Ngân hàng liên doanh VID Public và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của PBB. Ngân hàng VID Public là một trong số những ngân hàng liên doanh đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập năm 1991.

Ngân hàng ngoại chủ yếu tăng trưởng dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo tinh thần doanh nghiệp tới đâu, ngân hàng tới đó. Những năm trước, ngân hàng nước ngoài có mặt ở nước ta chủ yếu thuộc những quốc gia có đầu tư nhiều vào nước ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Còn gần đây, sự hiện diện của ngân hàng các nước ASEAN ngày một nhiều hơn, mới đây nhất là Kasikorn, trước đó là Maybank của Malaysia, hay DBS của Singapore… Dường như, các tổ chức tín dụng trong khu vực đang có những chuẩn bị kỹ càng cho những cơ hội đến từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN - dự kiến được hình thành vào cuối năm nay. Tổng giám đốc Ngân hàng Kasikorn Thái Lan Predee Daochai cho biết, việc mở văn phòng đại diện của Ngân hàng Kasikorn tại Việt Nam ngoài chịu trách nhiệm về các dự án đầu tư đã được vay tín dụng từ Ngân hàng Kasikorn Thái Lan còn chuẩn bị các nghiên cứu thông tin thị trường nhằm hỗ trợ cho việc lên kế hoạch kinh doanh cho khách hàng, hỗ trợ các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam.

Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển, đồng thời, cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng. Không chỉ đi theo để phục vụ hệ thống doanh nghiệp nước ngoài (nơi ngân hàng mẹ đặt trụ sở chính) đang hoạt động tại Việt Nam, chiến lược của các ngân hàng ngoại còn đang tìm cách tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Hiện các ngân hàng ngoại đang ra sức tiếp thị, với các chính sách về tín dụng, cũng như tiền gửi rất cạnh tranh để thu hút khách hàng. Sản phẩm tín dụng cá nhân, trong đó nổi bật là cho vay mua nhà, vay tiêu dùng…, lãi suất áp dụng tại một số ngân hàng nước ngoài thấp hơn so với ngân hàng trong nước.

Trong khi đó, ngân hàng nội không dễ tiếp cận doanh nghiệp FDI – hiện nắm tới gần 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng cho biết, tiềm năng đẩy mạnh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đối với  khách hàng FDI tương đối lớn nhưng để khai thác được tiềm năng này không đơn giản. Số lượng khách hàng và dư nợ của các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu khách hàng và tổng dư nợ của Vietcombank, cho dù thời gian qua, Vietcombank đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ như tiền gửi, tài khoản thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng… cho đối tượng khách hàng này.