Ngân hàng ngoại tại Việt Nam: Nhộn nhịp “kẻ ra, người vào”

Theo enternews.vn

Trong khi thị trường tài chính gần đây chứng kiến hiện tượng một số ngân hàng ngoại thoái vốn, rút vốn thì mới đây thị trường lại ghi nhận việc một số ngân hàng được chấp nhận thành lập 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thêm ngân hàng 100% vốn ngoại

Ngày 19/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 5646/NHNN-TTGSNH chấp thuận về nguyên tắc Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, sau khi xem xét đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của Ngân hàng UOB, NHNN chấp thuận về nguyên tắc Ngân hàng UOB thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (UOB Việt Nam).

Cũng tại văn bản này, NHNN chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của UOB Việt Nam.

Văn bản nêu rõ, để được xem xét, cấp Giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam, yêu cầu Ngân hàng UOB tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định và hướng dẫn của NHNN để trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam.

Cũng trong ngày 19/7/2017, NHNN có văn bản số 5647/NHNN-TTGSNH chấp thuận chủ trương cho phép UOB được thành lập 01 chi nhánh trực thuộc trên cơ sở tiếp quản (tiếp nhận tài sản, công nợ và đóng cửa) chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiện nay của Ngân hàng UOB tại thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi được NHNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam.

Thị trường tài chính sẽ sôi động?

Từ lâu, thị trường tài chính Việt Nam được cho là mảnh đất "màu mỡ" mà nhiều tổ chức tài chính lớn muốn thâm nhập sâu, tranh giành thị phần... Điều kiện lý tưởng nhất là thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mở chi nhánh hoặc cách an toàn hơn là mua cổ phần chiến lược của ngân hàng Việt Nam.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, thị trường tài chính Việt Nam lại ghi nhận hiện tượng một số ngân hàng ngoại rút vốn hoặc thu hẹp hoạt động như CBA chuyển nhượng chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho VIB, ANZ bán mảng bán lẻ cho Shinhan Bank, HSBC thoái vốn khỏi Techcombank,... Những động thái này đang đặt ra câu hỏi thực sự có việc ngân hàng ngoại đang dần rời bỏ Việt Nam, hay chiến lược đầu tư của họ đang thay đổi. Động thái này cũng đang khiến nhiều luồng ý kiến bày tỏ lo ngại về tính rủi ro của thị trường tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, hiện tượng này không đáng quan ngại, bởi vì thị trường tài chính ngân hàng, cũng như thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam còn rất tiềm năng, các nhà băng ngoại hẳn biết rất rõ điều đó.

Thực tế động thái rút vốn, thoái vốn của một số ngân hàng ngoại về cơ bản là sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, các ngân hàng này muốn tránh sự trùng lặp trong kinh doanh ở Việt Nam. Có những ngân hàng đã trở thành cổ đông chiến lược tại các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, nên không có lý do gì để họ duy trì thêm một chi nhánh khác ở Việt Nam. Việc tồn tại song song một chi nhánh và là cổ đông chiến lược ở một ngân hàng khác sẽ dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng nước ngoài hiện nay cũng cần phải tái cơ cấu.

Bên cạnh một số trường hợp cục bộ và có tính đặc thù nói trên, thị trường Việt Nam lại đang thể hiện một dòng chảy mở rộng hơn, với sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài mà điển hình là có sự gia nhập thêm ngân hàng 100% vốn ngoại thứ 9 như đã nói trên.

Được biết, sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, Ngân hàng UOB đã phát triển khá nhanh và cung cấp tài chính cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, ngân hàng này đã xây dựng và duy trì mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp nhà nước, tài trợ vốn cho nhiều dự án lớn. Thế nhưng, với mô hình chi nhánh ngân hàng nước ngoài, UOB khó có thể thâm nhập sâu hơn vào những mảng kinh doanh "béo bở" hơn tại Việt Nam, như tiêu dùng cá nhân, dịch vụ thẻ, mua bán cổ phần, thu xếp phát hành trái phiếu…

Cũng vừa mới đây thôi, cuối 2016, thị trường ghi nhận thêm một đợt đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, bằng các giấy phép và kế hoạch lập ngân hàng con 100% vốn ngoại như Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB Bank Berhad (Malaysia).

Bên cạnh loạt thành viên đã lần lượt thiết lập sự hiện diện đầy đủ ngân hàng 100% vốn là ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam và Standard Chartered Việt Nam, Public Bank Berhad (Malaysia) thì những ngân hàng 100% vốn ngoại mới bắt đầu ra mắt và nhập cuộc hứa hẹn thị trường và hoạt động ngân hàng Việt Nam sẽ sôi động hơn, chuyên nghiệp hơn khi có thêm số lượng tham gia của các định chế nước ngoài.