Ngân hàng phá giá, doanh nghiệp vẫn đói vốn

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải ra văn bản để rà soát các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn huy động, cạnh tranh không lành mạnh thì vẫn có những tiếng than trời từ phía doanh nghiệp cho rằng rất khó tiếp cận vốn.

NHNN yêu cầu giám đốc chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Nguồn: internet
NHNN yêu cầu giám đốc chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Nguồn: internet
Dư luận đặt câu hỏi doanh nghiệp nào được vay với mức ưu đãi như vậy để đến mức NHNN phải ra công văn số 9312/NHNN-TTGSNH yêu cầu các chi nhánh của mình tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.

Theo công văn số 9312, NHNN nêu rõ, đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh lãi suất đầu ra giữa các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, “đó là biểu hiện kinh doanh không lành mạnh về mặt tài chính, có thể tạo ra rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng”, văn bản viết.

Vì thế NHNN yêu cầu giám đốc chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với tinh thần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, cần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay phù hợp với điều kiện thị trường tiền tệ và năng lực tài chính của mình.

Mặt khác lại yêu cầu không cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí huy động vốn để tránh xảy ra cạnh tranh thiếu lành mạnh và tiền ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Thế nhưng kết quả giám sát của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) tiến hành từ cuối tháng 8/2013 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 này cho thấy có tới 50% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng.

Và chính UBGSTC cũng nhấn mạnh rằng, các giải pháp chính sách của NHNN, đặc biệt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp (xử lý nợ xấu, giảm rào cản về điều kiện tín dụng) sẽ chỉ phát huy được tác dụng nếu đảm bảo 2 yếu tố sau:

Thứ nhất, quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại được cải thiện, tuân thủ theo các chuẩn mực đề ra của NHNN.

Thứ hai, hệ thống giám sát phải giám sát được hoạt động của các ngân hàng thương mại, tránh tình trạng cơ cấu lại nợ và cách lách chính sách cho doanh nghiệp sân sau, các nhóm lợi ích được tạo ra bởi tình trạng sở hữu chéo và dòng vốn tín dụng này có nguy cơ không “chảy” được vào nền kinh tế.

Thực tế này cũng được chỉ ra tại Đà Nẵng. Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Đà Nẵng khóa VIII, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang đã đặt câu hỏi: “Cần kiểm tra, giám sát vốn huy động và vốn cho vay của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố, vì hiện nay tiền vốn huy động tăng 12,76% nhưng thực tế tiền cho vay tỉ lệ tăng chỉ có 1,26%.

Dư luận cho rằng có hay không hiện tượng lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn tiếp cận được vốn vay để phát triển sản xuất?”, ông Nguyễn Thanh Quang đặt câu hỏi.

Trước đó, tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 14, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương đã nêu khá rõ về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn: “Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương quyết liệt, địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn nhiều”.

Lần này ông Võ Duy Khương cũng nói thẳng: “Ông ngân hàng nhiều khi là đứng ngoài cuộc. Nghị quyết của Thành phố cũng như không, không ăn thua. Ổng cho vay với lãi suất lên đến 20 – 25%, Thống đốc NHNN yêu cầu giảm xuống 15% nhưng đến bây giờ vẫn không giảm!”.

Chính điều này càng khiến dư luận cảm thấy khó hiểu trước động thái “tuýt còi” của NHNN rà các chi nhánh cho vay thấp hơn lãi suất huy động.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Mỗi khi các tập đoàn, tổng công ty khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thì bộ trưởng có liên quan (có trường hợp cả phó thủ tướng) trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp khác phải mua sản phẩm có liên quan từ các doanh nghiệp đang có các sản phẩm khó tiêu thụ.