Ngân hàng thương mại không có cửa “lách” nợ xấu

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản bác thông tin cho rằng, việc hoãn Thông tư 02 là giúp ngân hàng thương mại đắc lợi, làm chậm quá trình tái cơ cấu.

Ngân hàng thương mại không có cửa “lách” nợ xấu
NHNN khẳng định có đủ công cụ để kiểm soát nợ xấu. Nguồn: internet

Trước thông tin cho rằng, việc ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN (thay thế Thông tư 02/2013/TT-NHNN) về phân loại nợ nợ và trích lập dự phòng rủi ro là giúp ngân hàng che giấu nợ xấu, làm chậm quá trình tái cơ cấu ngân hàng, NHNN đã lên tiếng phản bác.  

NHNN hoãn: ngân hàng mừng, chuyên gia lo lắng

Ngày 18/3 vừa qua, NHNN ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 Quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một trong những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 31/3/2015 và chưa phải thực hiện điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả tổng hợp phân loại nợ của CIC cho đến hết ngày 31/12/2014.

Phó Chủ tịch Ngân hàng thương mại Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, giãn thời gian áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ theo chuẩn mới chính là giúp doanh nghiệp (DN) khỏi sự đổ bể mới, cứu nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thêm một lần trì hoãn thực hiện Thông tư 02 của NHNN lại khiến các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nước lo ngại, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục bị che dấu, làm chậm quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trì hoãn quá lâu Thông tư 02 sẽ khiến bức tranh nợ xấu bị che mờ, khiến trích lập dự phòng rủi ro không đầy đủ, đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt mới đây cũng cho rằng, việc NHNN ban hành Thông tư 09, thay thế Thông tư 02 đã làm niềm tin thị trường bị tổng thương và làm quá trình tái cơ cấu ngân hàng bị chậm lại.

Không có chuyện ngân hàng giấu nợ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong lúc các ngân hàng kinh doanh chật vật như hiện nay, việc tăng trích lập dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Vì vậy, lùi thực hiện Thông tư 02 "đúng là ân huệ cho ngành ngân hàng". Đây cũng là quan điểm của rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) khẳng định, để được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 09, các ngân hàng phải đáp ứng được những điều kiện vô cùng chặt chẽ và không dễ để "lách" hay che dấu nợ.

Cụ thể, Thông tư 09 quy định, để được giữ nguyên nhóm nợ, phải là những khoản nợ mà việc cấp tín dụng không vi phạm các quy định của pháp luật; phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng; khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích; khách hàng có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với diều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện 01 lần...

Đồng thời, Thông tư 09 yêu cầu tổ chức tín dụng phải đảm bảo đã ban hành quy định nội bộ để kiểm soát, giám sát đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đảm bảo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.  

Như vậy, so với quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN về phân loại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) khẳng định, các điều kiện quy định tại Thông tư 09 trên đây được nhiều tổ chức tín dụng đánh giá là quá chặt chẽ, không còn ”cửa hẹp để lách” và từ đó, trong thời gian ngắn sắp tới sẽ nợ xấu được phản ánh đầy đủ, đúng thực trạng.

Tuy nhiên, tổ chức tín dụng có thể chưa phải trích ngay số tiền dự phòng rủi ro cho những khoản nợ được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, sẽ có thêm điều kiện về nguồn vốn để cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, thời gian tới, chắc chắn các tổ chức tín dụng sẽ phải trích bổ sung dự phòng rủi ro và phải hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.

Không làm chậm quá trình tái cơ cấu

Việc NHNN sửa đổi Thông tư 02 khiến nhiều người cho rằng, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng của NHNN sẽ bị chậm lại.

Tuy nhiên, lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho rằng:  “Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay của nền kinh tế, không hề làm chậm mà thậm chí còn tạo nên sức ép phải đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngân hàng”.    

Trong khi đó, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng khẳng định, tuy sửa đổi Thông tư 02, song NHNN vẫn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu theo tiêu chí quy định tại Thông tư 02 để xây dựng, báo cáo NHNN kế hoạch bán nợ xấu trong năm 2014 và kế hoạch bán nợ xấu cụ thể từng tháng cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

NHNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đối với tổ chức tín dụng không xây dựng, báo cáo NHNN kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC hoặc không bán, chậm bán nợ xấu theo kế hoạch đã báo cáo NHNN. 

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, trong đó có việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/05/2013 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNNg.

Theo đó, NHNN bổ sung quy định về việc xử lý đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNNg có giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định và một trong các chế tài xử lý là yêu cầu cổ đông, chủ sở hữu phải góp bổ sung vốn, hạn chế một số hoạt động hoặc hạn chế việc mở rộng địa bàn hoạt động (mở chi nhánh),…

Các ngân hàng có vốn điều lệ hoặc được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định dẫn đến vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.

 Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, NHNN khẳng định đã có đủ công cụ, biện pháp và đã hoàn toàn kiểm soát được chất lượng tín dụng, nợ xấu của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống. Cùng với sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả.