Ngân hàng: Từ văn phòng ra bán lẻ

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Sự luân chuyển nhân sự ở ngân hàng là để nếu không tăng được doanh thu thì ít nhất cũng giảm được chi phí.

 Ngân hàng: Từ văn phòng ra bán lẻ
Eximbank điều chuyển nhân viên bộ phận gián tiếp sang bộ phận bán hàng. Nguồn: internet

Việc ngân hàng Á Châu (ACB) giảm hơn 700 nhân viên trong quý III/2013 một lần nữa làm nóng lên làn sóng cắt giảm nhân sự ở ngân hàng. Ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã phải ra mặt để giải thích những tin đồn về việc 1.000 nhân viên ở Eximbank bị buộc thôi việc.

Không phải tất cả các ngân hàng đều cắt giảm nhân sự. Ít nhất là trong trường hợp của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Trong 9 tháng đầu năm, Sacombank tuyển dụng thêm 1.034 người, đưa tổng số nhân viên hiện tại lên mức 11.344 người. Riêng trong quý III, ngân hàng này tuyển dụng thêm 151 người.

Lợi nhuận trước thuế của Sacombank trong 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 2.217 tỉ đồng, tín dụng tăng trưởng 13,3% trong khi bình quân của ngành ngân hàng chưa được 8%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của ACB và Eximbank lần lượt đạt 1.480 tỉ đồng và 1.155 tỉ đồng.

Đứng trên góc độ ngân hàng, sự thu hẹp quy mô nhân viên là điều tất yếu. Trong quá khứ, các ngân hàng tăng trưởng nhanh chóng đã mở thêm nhiều chi nhánh, tuyển thêm nhiều nhân viên với kỳ vọng thu hút thêm thị phần. Còn ngày nay, mở thêm chi nhánh sẽ rất đắt đỏ, thậm chí có xu hướng giảm hoặc sáp nhập các chi nhánh lại với nhau. Và việc gánh chịu quỹ lương như cũ trong khi kết quả kinh doanh giảm sút là điều khó khả thi.

Hãy thử tưởng tượng, nếu một ngân hàng có quy mô 10.000 nhân viên với mức lương bình quân 10 triệu đồng, thì mỗi năm ngân hàng sẽ phải chi 1.200 tỉ đồng tiền lương (chưa tính thưởng), tương đương với lợi nhuận trước thuế của ACB hay Eximbank hiện nay.

Theo VietnamWorks, mạng lưới tuyển dụng nhân sự trực tuyến lớn ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành ngân hàng không ngừng biến động trong năm 2013. Điều đặc biệt là trong quý III năm nay, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng trở lại với mức tăng đột biến là 13% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi 2 quý đầu năm lại liên tục giảm.

Quay trở lại với trường hợp Eximbank, ông Dũng cho biết không có chuyện 1.000 nhân viên ở Eximbank bị buộc thôi việc mà chỉ có 48 trường hợp là chấm dứt hợp đồng lao động – tức mất việc. Còn lại 300 trường hợp khác được điều chuyển sang bộ phận bán lẻ trực tiếp. Số nhân viên được điều chuyển này chủ yếu nằm trong bộ phận hoạt động gián tiếp của ngân hàng, tức là đơn vị không tạo ra doanh thu.

Chiến lược kinh doanh của Eximbank vì vậy nay đã thay đổi: cố gắng tạo ra nhiều đơn vị tạo ra doanh thu, và một trong các giải pháp là phát triển mạnh kênh bán lẻ. Trong đó, nhân sự vẫn là cái gốc để Eximbank thực hiện, giống như miêu tả của ông Dũng là “sẽ luồn sâu vào từng ngõ ngách để phục vụ khách hàng”.

Trên thực tế thì cách thức luân chuyển nhân sự về bán lẻ ở các ngân hàng không phải là đề tài mới mẻ. Sự luân chuyển này là để nếu không tăng được doanh thu thì ít nhất cũng giảm được chi phí.

Để làm được như vậy, động cơ thưởng từ doanh số là rất quan trọng đối với một nhân viên bán hàng. Ông Nguyễn Quốc Hương, quyền Tổng Giám đốc Eximbank, nói vui rằng: “Tinh thần của Eximbank là nhân viên chi nhánh nào có doanh số cao hơn trưởng chi nhánh thì lên làm trưởng chi nhánh”.

Nguồn quỹ thưởng của Eximbank sẽ tận dụng từ chi phí cắt giảm được. Hội sở là nơi thực hiện đầu tiên sau đó đến các chi nhánh. Ông Hương cho biết lương của lãnh đạo sẽ giảm khoảng 30%, trưởng nhóm giảm khoảng 10-20% còn nhân viên không bị giảm. Bản thân ông Dũng cũng tự nguyện giảm lương 50%. Nguyên tắc luân chuyển nhân sự của Eximbank ở đây có vẻ như đã thay đổi một chút: tập trung vào việc tăng doanh thu nhiều hơn.