Ngân hàng yếu hết cửa chây ỳ tái cơ cấu

Theo Báo Đầu tư

Tình trạng chây ỳ, không chịu tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) yếu kém sẽ chấm dứt từ ngày 27/4/2013, khi quy định mới về kiểm soát đặc biệt, buộc phải hợp nhất, sáp nhập, thậm chí bị buộc phá sản đối với NHTMCP yếu kém chính thức có hiệu lực.

Ngân hàng yếu hết cửa chây ỳ tái cơ cấu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Gia tăng áp lực cho ngân hàng yếu

Theo Thông tư 07/2013/TT-NHNN (Thông tư 07) mới ban hành, có hiệu lực từ ngày 27/4/2013, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố sẽ cho phép ngân hàng yếu phá sản. Cụ thể, các tổ chức tín dụng yếu kém, có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất thanh khoản sẽ bị NHNN xem xét đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, buộc phải tăng vốn điều lệ. NHNN cũng có thể yêu cầu tổ chức tín dụng đó tái cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các tổ chức tín dụng khác. Sau khi thực hiện các biện pháp mà tổ chức tín dụng đó vẫn chưa khôi phục được khả năng thanh toán, thì sẽ phải tiến hành thủ tục phá sản.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: “Việc ban hành Thông tư 07 là rất cần thiết. Quy định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng đã có từ lâu, nhưng điểm mới của Thông tư 07 là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ có nguy cơ bị hợp nhất, sáp nhập, thậm chí là phá sản. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của chủ sở hữu các ngân hàng”.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cho phá sản những ngân hàng quá yếu kém là hợp lý. Việc NHNN tuyên bố không để ngân hàng nào phá sản trước đây khiến các ngân hàng yếu chây ỳ, không chịu tái cơ cấu, đổi mới mình. Hơn nữa, trước sự “bảo hiểm” của Nhà nước, người dân cũng không có ý thức lựa chọn ngân hàng tốt để gửi tiền, mà chỉ chọn những ngân hàng có lãi suất cao (thường là ngân hàng yếu). Điều này khiến cả hệ thống ngân hàng gặp rủi ro.

Tổng giám đốc một NHTMCP cũng cho biết, cuối năm 2011, đầu năm 2012, đáng lẽ, rất nhiều cuộc mua bán, sáp nhập đã diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng. Như thế, tình hình nợ xấu có lẽ đã không bi đát như hiện nay. Ngặt nỗi, thời điểm đó, nhiều ngân hàng dù lỗ khủng, bị nợ xấu ăn mòn cả vốn điều lệ vẫn “làm cao”. Hậu quả là, nhiều ngân hàng yếu vẫn dậm chân tại chỗ trong lộ trình tái cơ cấu.

Tình trạng ngân hàng quá yếu kém, gần mất sạch vốn điều lệ nhưng cổ đông chính vẫn nắm “quyền sinh, quyền sát”, không chịu tái cơ cấu thời gian qua là không hợp lý. Thực tế, ngân hàng đó đã mất vốn điều lệ, nên những chủ sở hữu ngân hàng này thực chất không còn quyền cổ đông nữa. Việc NHNN truất quyền cổ đông của các chủ sở hữu này và buộc họ phải sáp nhập, hợp nhất hoặc phá sản là cần thiết. Chỉ có cách này mới nhanh chóng thúc đẩy được quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) thừa nhận, một trong những rào cản lớn nhất của quá trình tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua là sự thiếu hợp tác, hoặc chống đối từ phía cổ đông lớn của các NHTMCP yếu kém. Dù vậy, NHNN muốn can thiệp để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các ngân hàng này cũng rất khó, vì khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Do đó, việc ban hành Thông tư 07 sẽ giúp NHNN có nhiều công cụ hơn để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2011, NHNN và Chính phủ tuyên bố “không để ngân hàng nào phá sản” là hợp lý, vì thời điểm đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất mong manh. Tuy nhiên, thời điểm này, khi thanh khoản hệ thống đã được giám sát chặt, việc tuyên bố cho phép ngân hàng yếu phá sản sẽ không gây bất ổn cho toàn hệ thống.

Được biết, cùng với Thông tư 07 được ban hành, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”, với sự tham gia của tất cả bộ, ngành cùng lãnh đạo hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Đây được coi là bước chuẩn bị để tăng tốc lộ trình tái cơ cấu ngân hàng và bắt tay vào xử lý nợ xấu ngay trong quý II tới.

TS. Lê Xuân nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, Công ty Quản lý tài sản quốc gia đang hoàn tất thủ tục để chuẩn bị ra đời, sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, năm 2013, NHNN sẽ cơ bản xử lý xong ngân hàng yếu kém. Năm 2014, NHNN sẽ hoàn thành căn bản cơ cấu lại tài chính của tổ chức tín dụng. Năm 2015 sẽ hoàn thành cơ cấu lại hoạt động và quản trị, giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn.