Ngành đồ uống tồn kho nhiều, vì sao ?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Theo báo cáo mới nhất vào cuối tháng 10/2015 của Bộ Công Thương, ngành đồ uống có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung, đến 97,4%. Trong hai năm trở lại đây, ngành đồ uống luôn nằm trong top ngành có chỉ số tồn kho cao nhất. Tại sao lại như vậy?

Tồn kho cao đang là thách thức lớn với các doanh nghiệp đồ uống. Nguồn: internet
Tồn kho cao đang là thách thức lớn với các doanh nghiệp đồ uống. Nguồn: internet

Không chỉ nằm trong top nhóm ngành có chỉ số tồn kho cao, từ đầu năm 2015 đến nay ngành, đồ uống còn đứng hàng đầu trong nhóm ngành có chỉ số sản xuất cao vượt xa mức trung bình của toàn ngành công nghiệp chế biến.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng 2015, ngành sản xuất đồ uống trong nước đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có thể kể như: sữa bột tăng 17,9%; sữa tươi tăng 15,3%; bia tăng 6,8%; nước máy thương phẩm tăng 6,6%…

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ của ngành đồ uống vẫn tăng thấp, chỉ ở mức tăng 5% so với năm ngoái.

Sản xuất tăng,tiêu thụ chậm

Với những con số như vậy, việc tồn kho của ngành đồ uống luôn ở mức cao được cho là điều khả dĩ. Đáng nói là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, từ việc doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực đồ uống, không ít doanh nghiệp nước ngoài còn muốn thâu tóm thương hiệu Việt, việc ngành đồ uống nội địa sản xuất tăng, tiêu thụ chậm, tồn kho cao luôn đặt ra bài toán hóc búa cho giới doanh nghiệp nội. Đó là chưa kể nền kinh tế tăng trưởng chậm cũng làm việc tiêu thụ đồ uống trong nước cũng tăng chậm.

Ngay từ đầu năm 2015, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu và Nước giải khát Việt Nam (VBA), đã lưu ý doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư mạnh vào Việt Nam. Cho nên, nếu không gây được lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước rất dễ bị hụt hơi.

Riêng ngành bia, theo số liệu từ VBA, các doanh nghiệp SABECO, HABECO, Bia Việt Nam và Carlsberg đã chiếm trên 95% tổng sản lượng bia của Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành bia có xu hướng giảm dần, nếu như năm 2011, tốc độ tăng trưởng đạt 8,5% thì năm 2015, dự kiến chỉ đạt 4,7%.

Theo công bố gần đây của Hội lương thực Thực phẩm Tp.HCM, ngành đồ uống đang gặp nhiều khó khăn do việc thu mua nguyên liệu, nguồn hàng không ổn định, chi phí vận chuyển và thuê mặt bằng cao. Những điều này cùng với sức mua giảm đã làm tăng lượng tồn kho của các doanh nghiệp trong ngành.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ tồn kho lớn, lại yếu thế ở hệ thống phân phối, không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu, hàng tiểu ngạch nên khá chật vật.

Tồn khokhó gỡ

Cách đây hơn nửa năm, khi đánh giá về ngành đồ uống, chuyên gia phân tích của SSI Research nhận xét rằng tiêu dùng đang có xu hướng bão hòa ở các thành phố trong thời gian gần đây, nhưng khu vực nông thôn lại nổi lên là thị trường tiềm năng chưa được các công ty khai phá hoàn toàn.

Giới chuyên gia nhận định, để thúc đẩy doanh số và bảo vệ thị phần trước các đối thủ, các doanh nghiệp đồ uống cần tăng cường khuyến mãi và tiếp thị, đặc biệt là quảng cáo.

Tuy nhiên, tiềm lực của các doanh nghiệp nhỏ còn kém, vốn ít nên công tác quảng bá thường rất kém, ngoại trừ các “ông lớn” ngành đồ uống như Vinamilk, Tân Hiệp Phát, SABECO.

Đơn cử như Vinamilk, chi phí bán hàng bỏ ra trong 9 tháng 2015 lên đến 4.506 tỷ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong hơn 4.500 tỷ đồng chi phí bán hàng, có tới 1.235 tỷ đồng là chi phí quảng cáo, cũng tăng với tỷ lệ 77,2% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi ngày, Vinamilk bỏ ra khoảng 4,5 tỷ đồng chi cho hoạt động quảng cáo trên toàn hệ thống. Liệu có doanh nghiệp đồ uống nội địa nào dám chi mạnh đến như vậy trong tình cảnh thị phần đồ uống nói chung và ngành sữa nói riêng đang là sân chơi của các đại gia?

Có thể thấy rằng việc tăng mạnh nguồn cung trong ngành đồ uống đã làm thị trường này có dấu hiệu bão hoà. Nhưng các chuyên gia thị trường vẫn cho rằng ngành đồ uống Việt Nam vẫn tăng trưởng nếu biết vượt qua các thách thức.

Ông Bùi Trường Thắng, Vụ Phó Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho rằng, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp đồ uống nội địa trong nước cần tập trung mở rộng thị trường, đồng bộ hóa thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Còn ông Lê Văn Được, Phó Tổng thư ký VBA, nhận định: “Tỷ lệ tồn kho của ngành bia, rượu vẫn tăng cao, tốc độ tiêu thụ chậm hơn so với tốc độ sản xuất khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Do vậy, cần tăng cường quản lý, kiểm soát rượu phi thương mại, rượu do dân tự nấu. Bên cạnh đó, việc hội nhập cộng đồng ASEAN sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường trong nước, trong khi mặt hàng bia của Việt Nam xuất khẩu còn khiêm tốn thì các sản phẩm nước ngoài sẽ có điều kiện vào thị trường Việt Nam“.

Nhìn chung, ngành đồ uống nội địa vẫn đang trong giai đoạn thử thách khắc nghiệt. Để giảm tồn kho, việc cần phải làm trong lúc này là các doanh nghiệp cần tự thân vận động chiến lược sản xuất, tiêu thụ phù hợp với năng lực của mình.