Ngành thông tin và truyền thông trước cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu

ThS. Hoàng Thị Huyền - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Thực hiện đường lối đổi mới, chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, lĩnh vực thông tin và truyền thông đã tích cực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, tái cơ cấu kinh tế thị trường dịch vụ, doanh nghiệp. Đến nay ngành Thông tin và truyền thông tiếp tục giữ vững là ngành có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, có tỷ trọng đóng góp vào GDP ngày càng cao; giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khẳng định những bước tiến mới

Trong từng lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, phát thanh truyền, xuất bản, toàn ngành Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục có những bước phát triển mới, khẳng định vị trí, vai trò trên các mặt chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội.

Vị thế và tiềm lực, truyền thống của Ngành theo đó ngày càng được khẳng định và đang mạnh mẽ cùng đất nước, tiếp tục hội nhập sâu rộng vào thế giới. Điển hình có thể kể tới một số hoạt động như:

Lĩnh vực bưu chính: Kết cấu hạ tầng mạng lưới bưu chính công cộng được phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Hiện nay, Ngành đã thiết lập được 12.738 điểm phục vụ bưu chính công cộng; bán kính phục vụ bình quân 2,93 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu 1 điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân đạt 7.164 người/điểm. Doanh thu dịch vụ bưu chính toàn Ngành đạt khoảng hơn 700 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010.

Lĩnh vực viễn thông: Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục được phát triển hiện đại hóa rộng khắp, băng rộng tốc độ cao, hoạt động ổn định. Với việc phóng thành công 2 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất, Việt Nam đã ghi tên mình vào danh sách các nước đã có chủ quyền trên quỹ đạo vệ tinh và kết cấu hạ tầng thông tin của Việt Nam đã được đảm bảo bằng tất cả các hình thức liên lạc tiên tiến hiện đại nhất thế giới.

Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới trong suốt 10 năm qua. Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại hiện có khoảng 131 triệu máy (di động chiếm 94,86%; cố định chiếm 5,14%), cao gấp 10 lần so với năm 2005; mật độ điện thoại đạt khoảng 140/100 dân; tỷ lệ thuê bao internet băng rộng đạt 6,5 thuê bao/100 dân, cao gấp 2 lần so với năm 2010, gấp 30 lần so với năm 2005; tỷ lệ thuê bao internet băng rộng di động đạt 36,6 thuê bao/100 dân; toàn quốc có trên 58 triệu người sử dụng internet, cao gấp 2 lần so với năm 2010, gấp 10 lần so với năm 2005, lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD, nộp vào ngân sách nhà nước 60.000 tỷ đồng/năm.

Thị trường dịch vụ viễn thông và internet trong nước đã vào khai thác và thu hút được nhiều nguồn lực xã hội phát triển. Tính đến nay, có khoảng 25 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và hơn 90 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế và làm chủ được thị trường viễn thông trong nước, các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam chiếm từ 92% thị phần trong nước đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản. Dịch vụ viễn thông từ chỗ có giá cước thuộc hàng cao nhất thế giới, trở thành nước có giá cước rẻ nhất thế giới phục vụ đa số người sử dụng (trong 10 năm qua, giá cước di động Việt Nam giảm hơn 3 lần).

Lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin: Việt Nam đã hội tụ đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện hàng năm đạt hơn 32 tỷ USD, tăng gấp 9 lần so với năm 2010 và kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đạt 14 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng của Ngành từ 20-30%/năm. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vẫn tiếp tục có kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như trong công tác chuyên môn ở các cơ quan nhà nước tiếp tục được cải thiện, rút ngắn khoảng cách, nâng cao chất lượng phục vụ.

Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức tại các bộ, ngành được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt 90%; tỷ lệ máy tính kết nối internet đạt trên 90%; tất cả các cơ quan nhà nước có mạng nội bộ phục vụ công việc. Cả nước có 68% các bộ, ngành và 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chữ ký số tại các đơn vị trực thuộc…

Lĩnh vực báo chí: Lĩnh vực này phát triển phong phú và đa dạng. Hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí in và trên 1.000 ấn phẩm báo chí; 98 báo điện tử; 66 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với tổng số 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá. Diện tích phủ sóng phát thanh đạt 99,5% lãnh thổ, diện tích phủ sóng truyền hình mặt đất đạt hơn 90% diện tích lãnh thổ…

Lĩnh vực xuất bản: Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn nhưng phần lớn các nhà xuất bản đã khắc phục, chủ động khai thác nguồn bản thảo trong và ngoài nước, tổ chức có hiệu quả việc huy động nguồn lực trong xã hội, nên số đầu sách trong giai đoạn này không giảm.

Toàn quốc có 63 nhà xuất bản, thu hút khoảng 5.500 lao động, trong đó có khoảng 1.200 biên tập viên. Ngành đã xuất bản được hơn 24.000 đầu sách với hơn 270,4 triệu bản; xuất bản 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22,4 triệu bản, trong đó xuất bản trên 200 loại mẫu lịch với trên 16 triệu bản.

Có khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Sản lượng ước đạt khoảng hơn 1.00 tỷ trang in… Doanh thu toàn Ngành tiếp tục tăng trưởng, đạt 5.100 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm ước đạt 23 triệu USD, trong đó nhập khẩu là 18,9 triệu USD, xuất khẩu là 4,1 triệu USD.

Thách thức và những vấn đề đặt ra

Thành tựu phát triển ngành Thông tin và Truyền thông đạt được thời gian qua là rất to lớn, tuy nhiên đi kèm với những thành quả đó là những thách thức không nhỏ, cụ thể như:

i) Kết cấu hạ tầng bưu chính mặc dù đã được phát triển tốt hơn nhưng mạng lưới vẫn còn manh mún, phân tán. Chất lượng dịch vụ chưa cao, dịch vụ cung cấp cho thị trường còn chưa được đa dạng…

ii) Kết cấu hạ tầng viễn thông tuy đã phát triển hiện đại song chưa thực sự đồng bộ, đều khắp, chất lượng mạng lưới, dịch vụ còn chưa cao; còn có khoảng cách lớn về sử dụng dịch vụ giữa khu vực nông thôn và thành thị. Hiệu quả đầu tư còn bất cập, chồng chéo, năng suất lao động chưa cao…

iii) Công nghiệp công nghệ thông tin phát triển còn manh mún, thiếu công nghiệp hỗ trợ, chưa xác định được những sản phẩm đặc thù có khả năng xâm nhập và cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Chưa hình thành được doanh nghiệp công nghệ thông tin thương hiệu của Việt Nam mang tầm khu vực, chủ yếu dựa vào công nghệ nước ngoài…

iv) Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với tần suất tấn công mạng và mức độ phức tạp ngày càng cao. 

v) Hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng nhiều tờ báo và tạp chí chưa đáp ứng được yêu cầu, gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong bối cảnh thông tin qua mạng internet phát triển rất nhanh và đa dạng về nội dung cũng như hình thức thể hiện. Một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, không tuân thủ kỷ luật thông tin khi đưa tin và thiếu nhạy cảm, chạy theo xu hướng thông tin giật gân, câu khách, gây hiệu ứng xấu cho xã hội.

vi) Ngành Xuất bản, in và phát hành vẫn gặp nhiều khó khăn, đa số nhà xuất bản hoạt động kinh doanh cầm chừng, thậm chí thua lỗ, dẫn đến tình trạng bị đối tác liên kết chi phối, không kiểm soát được đối tác cũng như các quy trình liên kết xuất bản, dẫn đến nhiều vi phạm trong nội dung xuất bản phẩm cũng như trong quy trình xuất bản...

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng công nghệ số này không chỉ làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách và phương thức giao tiếp, mà còn làm biến đổi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật dịch vụ và kết cấu kinh tế xã hội, Thông tin và Truyền thông luôn gắn với sự phát triển của công nghệ cao, đổi mới công nghệ liên tục, gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu.

Do đó, cần sớm có những định hướng phát triển, kiện toàn hành lang pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi; xây dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch hóa các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển bền vững ngành Thông tin và Truyền thông.      

Tài liệu tham khảo:

1.Bộ Thông tin và Truyền thông (2016), Báo cáo Thành tựu và định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông, Viện chiến lược thông tin và truyền thông;

2.http://www.tapchibcvt.gov.vn/thanh-tuu-cua-nganh-tttt-dong-gop-quan-trong-vao-su-nghiep-cnh-hdh-dat-nuoc.htm;

3.http://baoquocte.vn/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-28391-28391.html.