Ngao ngán cổ tức ngân hàng

Theo Nha Trang/ktdt.vn

(Taichinh) - Không chia cổ tức, mức chia thấp hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu…, mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm nay khiến nhiều cổ đông thở dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguyên nhân một số ngân hàng không chia lợi nhuận là để tập trung nguồn lực tái cơ cấu, số còn lại có chia nhưng chỉ ở mức thấp theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - mức chia cổ tức cao nhất không quá 9%.

Khống chế mức chia

Kết quả kinh doanh được thông báo tại ĐHCĐ Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) mới đây cho thấy, so với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm 2014, SouthernBank chỉ hoàn thành được 2%.

Sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận chỉ còn 1,2 tỷ đồng nên HĐQT quyết định không chia cổ tức cho các cổ đông. Cổ tức bằng 0 cũng là thực tế mà cổ đông SouthernBank phải nhận 3 năm qua.

Lợi nhuận thấp, cổ đông nhận cổ tức thấp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dịp ĐHCĐ năm nay còn ghi nhận nhiều ngân hàng chia cổ tức thấp hơn so với dự kiến. Cụ thể, tại Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), mức chia cổ tức chỉ là 4%.

Nhiều cổ đông tỏ ra khá bức xúc bởi các năm trước, mức chia là 7 - 9% vốn điều lệ. Ở một số ngân hàng khác, tỷ lệ chia cổ tức cũng không đạt kế hoạch ban đầu: VIB chia cổ tức ở mức 9% thay vì ở mức 11% như dự kiến; LienVietPostBank chia cổ tức cho cổ đông ở mức 6%...

Một ngân hàng khác là VPBank lại chọn cách trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Việc triền miên nhận cổ phiếu khiến cổ đông ngân hàng này không hài lòng.

Trả lời cổ đông về vấn đề cổ tức trong mùa ĐHCĐ năm nay, đại diện một ngân hàng cho biết, năm nay, NHNN phê duyệt mức chia cổ tức của ngân hàng.

Theo ông Trần Ngô Phúc Vũ - nguyên thành viên HĐQT Nam A Bank cho biết, ban đầu, Ban lãnh đạo dự định chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ lẻ và 4% cho cổ đông lớn, nhưng sau khi trình NHNN thì chỉ được duyệt mức chia cổ tức 4% thống nhất cho cả cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ.

Tập trung cho tái cơ cấu

Việc khống chế mức chia cổ tức được coi là giải pháp để các ngân hàng tăng mức trích lập dự phòng rủi ro và "dọn dẹp" lại giá trị tài sản.

Từ đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, việc chia lợi nhuận năm nay của các ngân hàng thương mại phải đặt dưới sự giám sát chặt của NHNN nhằm đảm bảo việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, sau đó mới đến cổ tức.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục 2 (Cơ quan Giám sát NHNN) giải thích, Luật Các tổ chức tín dụng ghi nhận việc cổ đông có quyền quyết định tỷ lệ cổ tức, nhưng cũng theo luật này, NHNN có thể áp dụng một số biện pháp liên quan đến việc chia cổ tức để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Dựa trên tổng thể lợi ích hài hòa mối quan hệ kinh tế, năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn và năm 2015 là năm then chốt để hoàn thành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nên cần phải đảm bảo năng lực tài chính, tăng trích lập dự phòng rủi ro, vì vậy khó kỳ vọng cổ tức cao.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh tái cơ cấu ngân hàng đang vào giai đoạn nước rút và phải kéo nợ xấu về dưới 3% theo nghị quyết của Quốc hội là có thể hiểu được việc chia cổ tức ở mức thấp, khống chế mức chia. “Ngân hàng thương mại là dạng DN đặc biệt nên quá trình tái cấu trúc phải chịu sự giám sát của NHNN để lành mạnh hóa, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và cả nền kinh tế” - chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định.