Nhà đầu tư Nhật “để mắt” đến ngân hàng Việt

Theo Đầu tư Chứng khoán

Làn sóng gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài đang được các ngân hàng nội đẩy mạnh, trong đó, nhà đầu tư (NĐT) đến từ Nhật Bản đang là đối tác tiềm năng.

Nhà đầu tư Nhật “để mắt” đến ngân hàng Việt
Sacombank có kế hoạch tăng thêm 53% vốn điều lệ. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Kế hoạch bán cổ phần cho NĐT nước ngoài đã được một số nhà băng trình cổ đông trong mùa đại hội năm nay, với tỷ lệ tối đa 20%. Trong đó, theo nhiều ngân hàng, cổ đông ngoại đến từ Nhật Bản đang là đối tác tiềm năng.

Trả lời báo chí bên lề đại hội cổ đông ngày 27/4 về việc chọn đối tác chiến lược ngoại, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới, đặc biệt là một số tổ chức đến từ Nhật Bản đang quan tâm tìm kiếm các ngân hàng Việt Nam có chiến lược phát triển và tăng trưởng tốt trong tương lai để tiến đến việc hợp tác. Đối tượng thường được họ lựa chọn là những ngân hàng có quy mô; có định hướng chiến lược phát triển để trở thành ngân hàng hàng đầu; quan tâm đến chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. 

“Đó là 3 điểm quan trọng mà các đối tác chiến lược nước ngoài quan tâm trong quá trình tìm kiếm ngân hàng trong nước để mua cổ phần. Hiện DongA Bank đang thực hiện chiến lược tìm đối tác ngoại, nhưng quá trình đàm phán, thương lượng và định giá có thể sẽ diễn ra trong thời gian dài”, ông Bình nói và cho hay, không ít đối tác là định chế tài chính nước ngoài và cổ đông chiến lược trong nước có ý định hợp tác với DongA Bank dưới hình thức sở hữu tỷ lệ cổ phần tối đa được pháp luật cho phép là 20%.

Tuy nhiên, do thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu ngân hàng hiện rất thấp, nên DongA Bank sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để đảm bảo quyền lợi cổ đông hiện hữu. Mặt khác, quan điểm của DongA Bank khi chọn đối tác chiến lược phải là sự “đồng cảm” về định hướng để đảm bảo khả năng phát triển tốt hơn cho Ngân hàng. Theo kế hoạch, năm nay DongA Bank sẽ tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Ngoài DongA Bank, HĐQT HDBank cũng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch gọi vốn từ cổ đông chiến lược ngoại, bên cạnh việc sáp nhập một ngân hàng khác và mua lại 100% vốn của một công ty trong lĩnh vực tiêu dùng. Theo Chủ tịch HĐQT HDBank, bà Lê Thị Băng Tâm, Ngân hàng đã thuê công ty tư vấn để triển khai việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài. HDBank đã tiếp xúc và làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản và Anh quốc. Các tập đoàn này đều có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và muốn mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường Việt Nam. HDBank đang trong giai đoạn đàm phán, các đối tác đều thể hiện sự quan tâm và thiện chí về khả năng hợp tác.

HĐQT Sacombank cũng tái xác nhận về mặt chủ trương bán cổ phần cho NĐT nước ngoài với cổ đông tại kỳ đại hội thường niên diễn ra ngày 25/4 vừa qua. Về tỷ lệ cổ phần bán cho NĐT chiến lược nước ngoài lần này, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, HĐQT Ngân hàng sẽ tiến hành lập các phương án, xúc tiến thủ tục và chọn thời điểm thích hợp để chuyển nhượng tỷ lệ tối đa 20% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài trong năm nay. Chưa tiết lộ cụ thể tên tuổi, nhưng ông Phú cho biết, đối tác ngoại của Sacombank là một định chế tài chính lớn mạnh. Trước đó không lâu, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, đang có một danh sách 7 NĐT, trong đó khả năng rất lớn sẽ là một NĐT Nhật Bản thể hiện mong muốn đầu tư vào Sacombank.

Sacombank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ từ hơn 10.739 tỷ đồng lên trên 12.425 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phần đã được ĐHCĐ thông qua ngày 26/5/2012. Trong năm nay, Ngân hàng có kế hoạch tăng thêm 53% vốn điều lệ, trong đó một phần vốn được bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài, với tỷ lệ sở hữu đến 20%.

Có thể nói, làn sóng gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài đang được các ngân hàng nội đẩy mạnh, với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, trước bối cảnh thị trường khó khăn, cổ đông chiến lược trong nước không quan tâm nhiều đến cổ phiếu ngân hàng như trước, việc gọi vốn ngoại là một bước đi khả dĩ hơn. Thị trường tài chính cũng vừa chứng kiến thương vụ IFC sở hữu 10% cổ phần của ABBank hay cá nhân nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng hợp nhất Sài Gòn. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn đối tác phù hợp là không đơn giản, bởi tiêu chí lựa chọn của các NĐT ngại rất khắt khe, không phải ngân hàng nội nào cũng đáp ứng được.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, việc thu hút được NĐT nước ngoài đã thể hiện ABBank có tình hình tài chính ổn định, có năng lực nội tại, tuân thủ các tiêu chí an toàn, đáp ứng các yêu cầu cải thiện hệ thống do NĐT đề xuất và có khả năng hấp thụ các tư vấn, chương trình hợp tác chiến lược từ NĐT nước ngoài. Trong khi đó, theo Tổng giám đốc DongA Bank, để tìm được đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp, phải mất rất nhiều thời gian.