Nhà quản lý và chuyên gia nói gì về hoạt động M&A tại Việt Nam?

PV. (Tổng hợp)

Việt Nam đang tiếp tục trở thành thị trường hấp dẫn cho các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A). Dự báo, năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể xác lập mốc kỷ lục mới - 6 tỷ USD. Tạp chí Tài chính lược trích một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia liên quan đến hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian tới.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: FinancePlus.vn
Ảnh minh hoạ. Nguồn: FinancePlus.vn

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

M&A đặt ra những câu hỏi lớn với các cơ quan chức năng của Chính phủ

Làm thế nào để hoạt động M&A thực sự trở thành công cụ ngày càng hữu hiệu cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp, đồng thời là một kênh huy động vốn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn mới đang là câu hỏi lớn được đặt ra với cả các cơ quan chức năng của Chính phủ…

TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước):

Tháo gỡ những rào cản để có thể tiến hành M&A tốt hơn

Chúng tôi đang xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán thế hệ hai nhằm tháo gỡ những rào cản để cho doanh nghiệp nước ngoài tiến hành M&A tốt hơn.

Lĩnh vực phân phối dược phẩm, chúng ta chưa mở cửa, nhưng đến thời điểm hợp lý chúng ta cũng sẽ thực hiện lộ trình mở cửa.

Ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam):

M&A là một trong những biện pháp xử lý tổ chức tín dụng yếu kém được ưu tiên tại Việt Nam

M&A là một trong những biện pháp xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém phổ biến được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và cũng được ưu tiên áp dụng ở Việt Nam trong giai đoạn cơ cấu lại hệ thống các TCTD vừa qua vì những ưu việt của kỹ thuật này: không sử dụng nguồn tài chính công, tận dụng tối đa nguồn lực tư nhân tham gia vào quá trình tái cơ cấu, không làm gián đoạn sự vận hành của các chức năng của hệ thống, tối ưu hóa lợi thế kinh tế nhờ quy mô...

Ngoài ra, trong bối cảnh của Việt Nam, sáp nhập, hợp nhất còn góp phần để xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo - đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy (tài chính không minh bạch, đầu tư đan chéo) và là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến các yếu kém trong hoạt động của TCTD.

Ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Khối Tài chính doanh nghiệp (Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh):

Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ sôi động hơn

Từ năm 2014 đến nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hồi phục dần, hoạt động M&A cũng sôi động trở lại. Điểm mới trong giai đoạn này là các thương vụ có liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài khá nhiều. Nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thị trường nội địa của họ khó tăng trưởng cao như trước, bởi các thị trường này đã phát triển, chẳng hạn Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…

Thị trường M&A tại Việt Nam sẽ sôi động hơn: Thứ nhất, dựa trên số lượng công việc, những thương vụ mà HSC đang tiếp nhận từ khách hàng hiện đang khá nhiều. Thứ hai, có một số quỹ đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2006 - 2007 sẽ đóng quỹ trong năm nay hoặc năm sau. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.

Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF:

Những động thái mạnh mẽ của Chính phủ thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A

Ngoài ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường bất động sản, việc Việt Nam tham gia TPP và sự ra đời của AEC cũng là những yếu tố quan trọng…

Cuối năm 2015 và đầu năm 2016 cũng là khởi đầu của một nhiệm kỳ mới cùng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư. Đó sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A.

TS. Christopher Kummer - Chủ tịch Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA Thụy Sỹ):

Mức tăng trưởng M&A trái ngược với xu hướng chung thế giới

Trên thế giới, M&A có vẻ như là cuộc chơi đang tàn, thì tại Việt Nam, hoạt động này đã lập mức kỷ lục mới vào năm ngoái. Số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Mức tăng trưởng này hoàn toàn trái ngược với xu hướng chung của thế giới, cũng như xu hướng của châu Á - Thái Bình Dương. Xét về số lượng giao dịch, các công ty có trụ sở tại Việt Nam là mục tiêu tăng trưởng tiếp theo trong những năm qua. Năm ngoái, Việt Nam đã lọt vào Top 20 và đến nay đến vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng…