Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội để phát triển trong khó khăn

Theo Người Đại biểu Nhân dân

Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, không nên đầu tư kiểu phong trào cho trứng vào nhiều giỏ mà không hiểu về lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề sở trường.

Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội để phát triển trong khó khăn
Trong năm 2012, dù một nửa số doanh nghiệp bị dừng cuộc chơi vì không vượt qua được những khó khăn, thì vẫn có không ít đơn vị khá năng động, nhạy bén, tranh thủ cơ hội để mở rộng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường. Đây cũng là bài học cho cộng đồng doanh nghiệp, khi 2013 được dự báo là năm còn rất nhiều khó khăn.
Không đầu tư theo cách bỏ trứng vào nhiều giỏnhư rất nhiều doanh nghiệp khác từng áp dụng và khá thành công trước đó, trong điều kiện đồng vốn eo hẹp và lĩnh vực doanh nghiệp mình đang theo đuổi gặp rất nhiều khó khăn, Công ty cổ phần tổng hợp Việt Dương, Bắc Ninh vẫn kiên trì với lĩnh vực truyền thống là cung cấp khăn giấy, khăn ăn, xà bông, văn phòng phẩm phục vụ nhà hàng, khách sạn.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, do nền kinh tế cả trong và ngoài nước đều khó khăn, nên nếu bắt đầu một nghề mới trong lúc này sẽ không dễ dàng. Triết lý kinh doanh cho trứng vào nhiều giỏ chỉ nên với lĩnh vực tài chính chứ không thể ôm đồm cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác. Vì vậy, cùng với các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất để có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh, doanh nghiệp đã tranh thủ tìm kiếm, mở rộng các đối tượng khách hàng để tạo đơn hàng, giữ chân lao động.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Hồ Gươm Ninh Thị Ty cho biết, khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhưng đối với doanh nghiệp dệt may thì thị trường xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội khai thác. Vì vậy, đã vài năm trở lại đây, mỗi năm công ty vẫn mở thêm một nhà máy mới để đón đầu những xu hướng chưa được khai thác bởi doanh nghiệp khác. Bà Ninh Thị Ty dự kiến, tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 sẽ khoảng 10% và đầu tư đón đầu cơ hội sẽ đem đến thành công kép.

Không thuận lợi như dệt may, thậm chí khó khăn chồng chất vì chịu sức ép cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức vẫn tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Và trong khi hơn 30% doanh nghiệp ngành thép phải dừng cuộc chơi trong năm 2012, thì doanh nghiệp này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Để có thành tích này, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức Lê Minh Hải cho biết, đã mạnh dạn đầu tư công nghệ máy nối phôi hiện đại (trên thế giới hiện chỉ có 5 - 6 nhà máy thép sử dụng công nghệ này) để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhờ đó trong hơn nửa triệu tấn thép sản xuất ra, đã có 50% được xuất khẩu sang các nước phát triển.

Nhìn lại năm 2012, chỉ còn lại 320 nghìn doanh nghiệp còn hoạt động trong tổng số 624 nghìn doanh nghiệp đăng ký, theo Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, điểm yếu nhất của doanh nghiệp chính là cách làm ăn chụp giật, đầu tư dàn trải, thiếu bài bản, dẫn đến khi khó khăn chưa biết tận dụng những cơ hội tốt để vươn lên.

Vì vậy, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, không nên đầu tư kiểu phong trào cho trứng vào nhiều giỏ mà không hiểu về lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề sở trường. Theo người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì quản trị doanh nghiệp cần được quan tâm, ưu tiên đặc biệt trong năm bản lề thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 của tất cả các doanh nghiệp.