Nhiều kiểu xử lý nợ xấu

Hà Linh - VnMoney

(Tài chính) Khi chuyển đổi được nợ xấu, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp được khơi thông, ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay mà không bị nợ xấu án ngữ. Nợ xấu của nhiều doanh nghiệp trên sổ sách kế toán đã giảm đáng kể sau khi thực hiện tái cơ cấu theo nhiều kiểu: phát hành trái phiếu hoán đổi, gia hạn, thoái vốn, ký bán...

Khi nợ xấu đã được hoán đổi, doanh nghiệp có điều kiện vay vốn ngân hàng. Ảnh  minh họa. Nguồn Internet
Khi nợ xấu đã được hoán đổi, doanh nghiệp có điều kiện vay vốn ngân hàng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Phát hành trái phiếu để... gia hạn nợ

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - nay mới đổi tên là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) - đã phối hợp với Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thực hiện việc tái cơ cấu đợt 1 thông qua giải pháp phát hành trái phiếu hoán đổi nợ với kỳ hạn 10 năm, lãi suất 8,9%/năm. Kết quả là đến nay, nợ gốc và lãi của SBIC đã giảm được 13.152 tỉ đồng. Khoản nợ sau tái cơ cấu còn 3.462 tỉ đồng, sẽ trả 1 lần sau 10 năm.

Riêng khoản nợ 600 triệu USD vay nước ngoài, SBIC và DATC đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore. Tổng mệnh giá phát hành tính đến tháng 10/2013 là 626,8 triệu USD (gồm cả gốc và lãi), tương đương 13.163 tỉ đồng, lãi suất đơn là 1% mỗi năm. Với thời hạn 12 năm, lãi và gốc được thanh toán toàn bộ 1 lần vào ngày đáo hạn năm 2025. Đối với khoản nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và khoản vay khác theo báo cáo là 135,1 triệu USD, hiện SBIC đã hoàn thành cơ cấu tương đương 112 triệu USD với điều kiện mua lại bình quân khoảng 30% khoản nợ gốc. Như vậy, SBIC đã giảm được khoảng 85 triệu USD, tương đương 1.704 tỉ đồng. Sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của SBIC cơ bản được giảm, xóa, bán nợ, số còn lại cơ bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả đến năm 2023 và 2025.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thực hiện cổ phần hóa, giải thể 6 đơn vị, thoái vốn tại 7 công ty để tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Doanh nghiệp này đã thực hiện cơ cấu được 7.855 tỉ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và hơn 20.400 tỉ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013-2014. Bên cạnh đó, Vinalines đã hoàn thành thủ tục bổ sung 900 tỉ đồng vốn điều lệ.

Cho vay… thời gian

Khối nợ xấu của nền kinh tế cũng đang được thu nhỏ dần thông qua cơ chế xử lý nợ xấu bằng hình thức bán nợ xấu cho Công ty Xử lý Tài sản (VAMC). Mục tiêu đặt ra trong năm nay là VAMC sẽ thực hiện mua lại 30.000-35.000 tỉ nợ xấu từ các ngân hàng thương mại để làm sạch một phần bảng cân đối tài sản và đến hết năm 2014 sẽ cố gắng xử lý từ 100.000-150.000 tỉ đồng nợ xấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 10/11/2013, VAMC đã nhận hồ sơ từ 20 tổ chức tín dụng đề nghị bán tổng cộng khoảng 38.000 tỉ đồng nợ xấu. VAMC đã mua lại trên 15.000 tỉ đồng từ 15 thành viên. Như vậy, khi chuyển được nợ xấu sang VAMC, khoản nợ xấu vẫn còn nguyên nhưng quan trọng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp được khơi thông, ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay mà không bị nợ xấu án ngữ. Còn về khoản nợ xấu đó có bán được hay không là chuyện của ngân sách, không phải chuyện của doanh nghiệp và ngân hàng. Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng đây chính là hoạt động cho vay… thời gian để các ngân hàng thương mại tạm thời thoát ra khỏi nợ xấu, khơi thông tín dụng. Như vậy, các ngân hàng đang “tạm ứng tương lai” để xử lý nợ xấu