Nhiều ngân hàng phá giá lãi suất

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 11/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt hơn 7,5% và để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay 12% thì trong tháng 12 này, toàn hệ thống ngân hàng sẽ phải tăng trưởng thêm 4,5% nữa, tức phải giải ngân thêm hơn 130.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành như trên, không ít ngân hàng đã đưa ra các gói lãi suất rất thấp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối cùng của năm. NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố kiểm tra để chấn chỉnh việc phá giá lãi suất.

Nhiều ngân hàng phá giá lãi suất
Ngân hàng Hàng hải cho vay bổ sung vốn kinh doanh, mua nhà với lãi suất thấp. Nguồn: internet

Cạnh tranh có lành mạnh?

Cuối năm là cao điểm cho vay của ngân hàng, đặc biệt cho vay mua sắm, tiêu dùng nên các ngân hàng đã đua nhau tung ra nhiều gói lãi suất rất cạnh tranh để thu hút khách hàng. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đưa ra chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ 5,8%/năm. Đối với vay mua, xây sửa nhà, vay tiêu dùng (có thế chấp) lãi suất 8,8%/năm trong 8 tháng đầu tiên, hoặc 0% trong tháng đầu tiên và 11% trong 11 tháng tiếp theo.

Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) cũng có chương trình bổ sung vốn kinh doanh, mua nhà, hoặc tiêu dùng cá nhân với lãi suất 0% trong tháng đầu và 0,99% cho 11 tháng tiếp theo. Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho vay vốn mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà, mua ô tô, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng với lãi suất vay ưu đãi 0%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên và giá trị tối đa lên đến 5 tỷ đồng một khoản vay...

Theo cách tính thông thường, với lãi suất huy động dưới 12 tháng của các ngân hàng hiện khoảng 6%/năm (vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn) mà lãi suất cho vay dưới 6%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng cho vay ở mức 0% mấy tháng đầu tiên, đó là chưa cộng thêm chi phí kinh doanh khoảng 2% - 3% thì ngân hàng sẽ lỗ?

Về việc này, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho rằng việc lãi, lỗ của ngân hàng không thể tính bằng bài toán đơn giản như vậy. “Ngân hàng kinh doanh luôn hướng đến lợi nhuận chứ không để lỗ. Không phải cứ lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động thì thua lỗ, vấn đề nếu ngân hàng kiểm soát vốn tốt sẽ không có gì phải lo. Hơn nữa, lỗ mang tính chất chi phí và lỗ mang tính chất đầu tư khác nhau” - ông Tâm nói. Ông Tâm còn ví von, việc cho vay lãi suất thấp cũng như các doanh nghiệp (DN) bán hàng giảm giá cuối năm, đó là chuyện bình thường trong hoạt động kinh doanh.

Vốn rẻ chỉ dành cho khách hàng tốt

Việc đưa ra những gói lãi suất trên, đại diện một ngân hàng trong cuộc thừa nhận, hiện các ngân hàng đang có cuộc đua hạ lãi suất để lôi kéo khách hàng tốt chứ không phải đối tượng nào cũng được vay với mức lãi suất này. “Việc cho những khách hàng tốt vay với lãi suất dưới 6%/năm nhưng tiềm năng của DN đó có thể giúp ngân hàng thu được nhiều lợi ích khác như từ các loại phí dịch vụ, trả lương nhân viên, dòng tiền ở trạng thái không kỳ hạn, DN sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng…

Chính vì thế, trong thời điểm khó khăn hiện nay, chúng tôi có thể hy sinh một tỷ lệ lãi suất nhất định để hút khách hàng tốt về phía mình” - vị này bộc bạch. Việc tung ra nhiều gói sản phẩm ưu đãi trong tháng 12 cho thấy, các ngân hàng đang muốn chạy nước rút để đẩy tín dụng tăng mạnh trong tháng cuối năm này. Bản thân các ngân hàng, kể cả những ngân hàng đưa ra các mức lãi suất thấp cũng cho biết luôn giữ quan điểm thận trọng trong cho vay vì “chất lượng nợ quan trọng hơn dư nợ”.

Thực tế cho thấy, ngay cả khi NHNN cho phép các ngân hàng thương mại triển khai tín dụng và cấp vốn đối với DN đang có nợ xấu, nếu xét thấy dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh khả thi thì nhiều ngân hàng cũng rất dè dặt cho vay. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, DN luôn có nhu cầu vay vốn, trong đó, không ít các DN có nợ xấu muốn vay để giải quyết nợ xấu nhưng ACB chỉ xem xét từng trường hợp cụ thể. DN nào có phương án kinh doanh tốt, có khả năng trả nợ thì mới cho vay. Hoặc những DN có nợ xấu nhưng đang bán hàng, khách hàng của DN này là những khách hàng tốt, thanh toán qua ngân hàng thì cũng được xem xét cho vay.

Theo ông Toại, mặc dù muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng ngân hàng cũng không thể trao vốn cho DN đang có nợ quá xấu. Chính vì thế, mặc dù ACB đã tung ra nhiều gói cho vay ưu đãi trong tháng 12-2013 nhưng ông Toại nhìn nhận khó đạt mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2013. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 9% trong 2013 chứ không thể đạt được 10% như kỳ vọng trước đó.