Nhiều ngân hàng tìm vốn dài hạn bằng trái phiếu

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch phát hành lượng trái phiếu khủng để giải tỏa cơn khát vốn trung và dài hạn.

Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo được thanh khoản ngân hàng và nguồn vốn cho vay dài hạn, phát hành trái phiếu là việc làm cần thiết của các ngân hàng trong thời gian này. Nguồn: Internet
Các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo được thanh khoản ngân hàng và nguồn vốn cho vay dài hạn, phát hành trái phiếu là việc làm cần thiết của các ngân hàng trong thời gian này. Nguồn: Internet

Trong các chương trình huy động vốn dài hạn thời gian qua, việc phát hành trái phiếu được nhiều ngân hàng lựa chọn. Với lượng phát hành lớn, kỳ hạn dài, ngân hàng có thêm nguồn vốn ổn định, không phải lo khách hàng rút tiền trước hạn.

Kênh huy động vốn bằng trái phiếu đang là lựa chọn hàng đầu, vừa giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn, cải thiện hệ số CAR, vừa đáp ứng được quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung – dài hạn từ 60% xuống 50% và dự kiến xuống còn 40% vào năm 2018. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngược lại, chi phí vốn của các ngân hàng cũng bị đẩy lên khi sử dụng hình thức này.

Ngân hàng “đổ xô” tìm vốn trái phiếu

Số dư nợ trái phiếu của VietinBank hiện sụt giảm mạnh, còn 18.300 tỷ đồng, sau khi tất toán khoản trái phiếu quốc tế 250 triệu USD hồi trung tuần tháng Năm. Do đó, mới đây ngân hàng này thông báo sẽ phát hành trái phiếu thời hạn 10 năm với số lượng chào bán đợt một là 200.000 trái phiếu, tương đương 2.000 tỷ đồng.

VietinBank cho biết, tiền lãi trái phiếu được trả sau, định kỳ một (01) năm một lần, kỳ thanh toán lãi vào ngày thanh toán lãi là mỗi ngày tròn năm kể từ ngày phát hành. 

Riêng tiền lãi cho kỳ thanh toán lãi thứ mười (10) của trái phiếu sẽ được thanh toán cùng với tiền gốc trái phiếu vào ngày đáo hạn. Lãi suất áp dụng cho toàn bộ thời hạn 10 năm là lãi suất thả nổi (lãi suất có điều chỉnh định kỳ). Cụ thể: Lãi suất = Lãi suất tham chiếu + 1,2%/năm.

Hai “ông lớn” khác của ngành ngân hàng là BIDV và Vietcombank cũng vừa được NHNN chấp thuận phương án phát hành trái phiếu trong năm 2017. Cụ thể, BIDV với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá lên tới 20.000 tỷ đồng. Còn Vietcombank phát hành số lượng khiêm tốn hơn, với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng. 

Tính đến cuối quý II, số dư trái phiếu của BIDV không có nhiều thay đổi, nhưng tại Vietcombank, đã có hơn 2.750 tỷ đồng được huy động qua các giấy tờ có giá trị trung – dài hạn.

Ngoài ra, có một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng lên kế hoạch tăng vốn qua kênh phát hành trái phiếu như: LienVietPostBank lên kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu dành cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng, cán bộ công nhân viên và các nhà đầu tư khác. 

Hay ACB cũng huy động được 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm bằng hình thức này với lãi suất kỳ đầu tiên là 8,5%/năm và áp dụng mức lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu thêm 2% đối với các kỳ sau đó.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia chứng khoán cho rằng thời gian qua, quy định ở Thông tư 06 về giảm tỷ lệ vốn vay trung hạn đã khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực về vốn trung và dài hạn. 

Do đó, phát hành trái phiếu là cách nhanh và hiệu quả nhất để các ngân hàng tăng tỷ lệ vốn trung và dài hạn trong tổng số nguồn vốn huy động.

Chi phí sẽ tăng

Bên cạnh đó, tín dụng năm nay dự kiến sẽ tăng khoảng 21%, có nghĩa là các ngân hàng vẫn có nhu cầu để huy động vốn và đẩy tín dụng ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu có thể khiến các ngân hàng chịu lãi suất cao hơn và thêm cả chi phí tư vấn phát hành.

Hiện tại, lãi suất cho các kỳ hạn dài đã được đẩy lên 8 – 8,5%/năm. Theo các chuyên gia, nếu thời gian tới diễn biến tỷ giá tăng nhanh sẽ khiến việc chi trả cả gốc của ngân hàng sau khi kỳ hạn kết thúc cao hơn số vốn vay ban đầu rất nhiều. 

Chẳng hạn, với trường hợp phát hành trái phiếu quốc tế của VietinBank năm 2012, do neo lãi suất ở mức cố định 8% và sự diễn biến tăng nhanh của tỷ giá, nên tổng giá trị quy đổi khoản tiền chi trả gốc và lãi của VietinBank tại tỷ giá từng thời điểm trả lãi ước tính là 7.830 tỷ đồng, cao hơn 50% so với số vốn vay ban đầu. 

Mức lãi suất trái phiếu mà các ngân hàng áp dụng trong năm đầu tiên đều “hấp dẫn” với người gửi tiền hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tương ứng.

Trong khi đó, công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao đột biến như thời gian vừa qua, chi phí vốn trung và dài hạn của các ngân hàng phát hành chắc chắn sẽ có sự nhích lên, qua đó có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay.

BVSC ước tính: “Chúng tôi đánh giá mức độ tăng chi phí sẽ không lớn, dưới 0,5%, do số vốn huy động từ các đợt phát hành này nhiều khả năng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ”.

Hiện nay, nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn, dù Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đang được các ngân hàng ráo riết triển khai nhưng để thu hồi được vốn không hề dễ dàng nhất là trong thời gian sớm. 

Do đó, các chuyên gia cho rằng để đảm bảo được thanh khoản ngân hàng và nguồn vốn cho vay dài hạn, phát hành trái phiếu là việc làm cần thiết của các ngân hàng trong thời gian này.