Nhiều thương vụ sáp nhập "bom tấn" ngành ngân hàng sắp hoàn thành

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn II của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Hiện một số nhà băng trong diện mua bán, sáp nhập cũng đã lên tiếng về “điểm đến” của mình.

 Nhiều thương vụ sáp nhập "bom tấn" ngành ngân hàng sắp hoàn thành
Tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn II của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nguồn: internet
Trả lời các đại biểu trong phiên chất vấn chiều 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đã phải xây dựng đề án tái cấu trúc của mình để NHNN thẩm định.

Đối với các NHTM Nhà nước: NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại của NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long.

Đối với các NHTM cổ phần: Trong số 9 NHTM cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 1 ngân hàng còn lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt.

Một số NHTM cổ phần yếu kém xác định trong năm 2013 đang được NHNN áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu. Đến nay, thị trường ngân hàng đã giảm bớt 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á).

Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 NHTM cổ phần yếu kém tăng 3,l7% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013.

Đối với các ngân hàng TM cổ phần hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 ngân hàng TM cổ phần; trong đó, NHNN đã phê duyệt 18 Phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu ngân hàng TM cổ phần còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

Nằm trong số các ngân hàng thương mại được cho là sẽ có hoạt động sáp nhập thời gian tới, trao đổi với phóng viên, phía NHTM cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) xác nhận: Chủ trương sáp nhập NHTM cổ phần Phát triển Mê Kông (MDBank) vào Maritme Bank đã được NHNN thông qua. Hiện nhà băng này đang cùng với phía MDBank kiểm kê và đánh giá tài sản để hoàn thiện đề án sáp nhập gửi lên NHNN trong đầu năm 2015.

Về thương vụ sáp nhập Maritime Bank với MDBank, tại đại hội cổ công thường niêm diễn ra sáng 19/4, Phó Chủ tịch Maritime Bank Đào Trọng Khanh cho biết, phương án sáp nhập của 2 ngân hàng sẽ được thực hiện với tỷ lệ hoán đổi 1:1. Nếu sáp nhập thành công, ngân hàng sau sáp nhập có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng (bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Maritime Bank 8.000 tỷ đồng và Ngân hàng Mekong - MDB 3.750 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng 113.000 tỷ đồng.

Trao đổi qua điện thoại hôm nay 30/9, phía Sacombank cũng cho hay, chủ trương sáp nhập với Southern Bank của nhà băng này cũng đã được thông qua từ trước. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin mới hơn về đề án sáp nhập.

Trước đó, chủ trương sáp nhập giữa Southern Bank và Sacombank đều đã được Đại hội cổ đông 2 bên thông qua và chỉ chờ phán quyết cuối cùng từ phía cơ quan quản lý là NHNN. Theo tờ trình gửi Đại hội cổ đông diễn ra hồi tháng 3, Sacombank dự kiến thương vụ M&A này sẽ được thực hiện ngay trong năm 2014.
Trong thương vụ này, Southern Bank được biết đến là phía chủ động xin sáp nhập vào Sacombank. Theo đánh giá của người trong giới, do các cổ đông lớn của hai ngân hàng có quan hệ gia đình, tổng cộng nắm giữa 12% cổ phần ở Sacombank và 20% cổ phần ở Southern Bank, động thái này của Sacombank là một giải pháp hợp lý trong kế hoạch chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong năm 2011-2015 (nhằm giảm số lượng ngân hàng chủ yếu thông qua M&A, củng cố lại hoạt động của các ngân hàng, giảm tình trạng sở hữu chéo và tăng tính minh bạch).
 
Cũng liên quan đến việc quản lý các ngân hàng, theo Thống đốc, NHNN đã chỉ đạo tái cơ cấu 3 ngân hàng liên doanh thuộc diện yếu kém hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó có 2 ngân hàng dự kiến có sự thoái vốn của đối tác Việt Nam, triển khai việc rút giấy phép, đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không có hiệu quả hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam.

Trước thông tin NHNN đang triển khai xử lý dứt điểm việc chuyển giao tài sản - công nợ để đóng cửa chi nhánh một số ngân hàng nước ngoài, sáng nay (30/9), Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và HSBC Việt Nam đã gửi thông tin phản hồi chính thức làm rõ thông tin này.

Theo đó, đại diện phía HSBC và Standard Chartered đều cho biết, việc đóng cửa chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh chỉ là thủ tục pháp lý sau khi các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam.

Đại diện HSBC cho biết: Ngày 1/1/2009, được sự chấp thuận của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, Ngân hàng Hồng Kong và Thượng Hải chính thức đưa vào hoạt động ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam: Ngân Hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên HSBC (Việt Nam) trên cơ sở chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trước đây. Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) thừa hưởng đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của chi nhánh ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải và hoạt động bình thường cho tới nay. Trong nửa đầu năm 2014, ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) đã tăng vốn từ VND3.000 tỷ lên VND7.528 tỷ để hỗ trợ tốt hơn các khách hàng và thể hiện cam kết hoạt dộng lâu dài tại Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết theo hướng dẫn của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam để đóng của chi nhánh ngân hàng HSBC Hồng Kông và Thượng Hải tại TP. Hồ Chí Minh trước đây”, nguồn tin khẳng định.

Tương tự, Standard Chartered đang tập trung phát triển kinh doanh tại Việt Nam với tư cách ngân hàng 100% vốn nước ngoài - Standard Chartered Việt Nam và đóng cửa chi nhánh Standard Chartered Anh Quốc đã thành lập trước đây tại TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, vào ngày 28/8/2014, NHNN đã chấp thuận về hoàn tất việc chuyển giao tài sản và công nợ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài Standard Chartered Anh Quốc sang Standard Chartered Việt Nam và thu hồi giấy phép của chi nhánh của ngân hàng mẹ tại TP. Hồ Chí Minh.

Standard Chartered khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam để tận dụng các cơ hội có sẵn ở đây. "Hiện tại, tất cả các văn phòng và chi nhánh ngân hàng vẫn hoạt động bình thường. Tiền gửi và các khoản đầu tư của khách hàng đang được quản lý hết sức an toàn và hiệu quả", Standard Chartered Việt Nam cho biết.