Nhìn lại hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm 6 tháng đầu năm

PV.

(Tài chính) 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) theo quy định tại Quyết định 1826/QĐ-TTg và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

6 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn tài chính của DNBH. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
6 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn tài chính của DNBH. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Nâng cao mức độ an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, giám sát và kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn tài chính của DNBH bao gồm: đảm bảo vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ đã góp và tương ứng với quy mô, phạm vi và địa bàn hoạt động của DNBH; Duy trì khả năng thanh toán; Thực hiện đầu tư theo nguyên tắc an toàn, thận trọng, thanh khoản và kiểm soát hạn mức đầu tư. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu một số DNBH phi nhân thọ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư tài chính, trích lập dự phòng bồi thường bảo hiểm và sử dụng quỹ dự phòng dao động lớn. Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm, có 05 DNBH hoàn thành tăng vốn điều lệ (trong đó có 02 DNBH phi nhân thọ, 03 DNBH nhân thọ) với tổng số tiền là 1.402 tỷ đồng (trong đó DNBH nhân thọ tăng 1.172 tỷ đồng, DNBH phi nhân thọ tăng 230 tỷ đồng). Theo đánh giá, 44/45 DNBH (trừ Công ty Bảo hiểm Viễn Đông) đảm bảo an toàn về vốn theo quy định và và đảm bảo được tiêu chí an toàn về tài chính.

Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các DNBH triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng, cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường hiệu quả kinh doanh của các DNBH, cụ thể: Phê chuẩn 19 sản phẩm nhân thọ, 8 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe nâng tổng số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường lên 314 sản phẩm; Đôn đốc các DNBH nộp báo cáo tài chính có xác nhận kiểm toán phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hoạt động, tình hình tài chính của DN, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát DN; Làm việc với các DNBH phi nhân thọ về Dự thảo Quy tắc bảo hiểm vật chất xe cơ giới; Triển khai phê chuẩn quy tắc bảo hiểm vật chất xe cơ giới của các DNBH; tổ chức, tham dự ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Campuchia về hợp tác thí điểm bảo hiểm xe cơ giới; triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới...

Tăng cường công tác quản trị của DNBH

Hiện nay, hầu hết DNBH đã xây dựng được các quy trình nghiệp vụ, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh. Nhiều DNBH có vốn đầu tư nước ngoài đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động kinh doanh và công tác quản trị, điều hành. Tuy nhiên, cũng có một số DNBH chưa triển khai thực hiện triệt để các quy trình nghiệp vụ đã xây dựng, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa thực hiện thường xuyên và còn mang tính hình thức, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục kiểm tra, giám sát các DNBH này để có biện pháp chấn chỉnh phù hợp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các DNBH đã thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về công bố thông tin, đảm bảo đúng, đủ, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã yêu cầu các DNBH tiến hành rà soát và đã đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn người quản trị điều hành, đồng thời cấp nhận 10 đề nghị thay đổi nhân sự của các DNBH phi nhân thọ 12 đề nghị thay đổi nhân sự của các DNBH nhân thọ.

Mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm

- Đối với bảo hiểm hưu trí:

Tính đến ngày 31/3/2014, Bộ Tài chính đã cấp phép cho 4 DNBH nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí. Căn cứ vào báo cáo kế hoạch kinh doanh của các DN, tổng doanh thu phí bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí năm 2014 ước đạt 750 tỷ đồng chiếm 8,3% thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, tương ứng với 17.600 người lao động tham gia bảo hiểm.

- Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu:

Sau 3 năm thực hiện (2011-2013), chương trình thí điểm đã kết thúc, các DNBH đã cấp được tổng số 46 hợp đồng bảo hiểm, trong đó có 23 hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và 23 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp bảo hiểm cho cả doanh thu xuất khẩu và doanh thu bán hàng nội địa với tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn các DNBH tham gia chương trình thí điểm thực hiện quyết toán theo quy định; đồng thời, khuyến khích DNBH chủ động phát triển sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như 1 sản phẩm tự nguyện, Nhà nước sẽ có hỗ trợ kinh phí tuyên truyền khi DNBH có nhu cầu.

- Bảo hiểm liên kết đầu tư:

Đối với bảo hiểm liên kết đơn vị, hiện có 2 DNBH nhân thọ triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là Manulife và Prudential. Tính đến 5 tháng đầu năm 2014, tổng số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là 10.750 hợp đồng; tổng số phí bảo hiểm thu được là 84 tỷ đồng. Trong khi đó, đối với bảo hiểm liên kết chung, đến nay, 13/16 DNBH nhân thọ đã triển khai sản phẩm bảo hiểm này. Từ khi bắt đầu được triển khai năm 2007 đến nay, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung liên tục tăng trưởng, tỷ trọng tăng nhanh trong cơ cấu sản phẩm khai thác mới. Tính đến hết tháng 5/2014, các DN đã khai thác được hơn 1 triệu hợp đồng với tổng số phí thu được khoảng 21.000 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2014, tổng số hợp đồng khai thác mới của sản phẩm liên kết chung là 123.243 hợp đồng, nâng tổng số hợp đồng có hiệu lực lên 1.086.778 hợp đồng. Tổng số phí bảo hiểm thu được trong 5 tháng đầu năm là 2.952 tỷ đồng. Phí bảo hiểm bình quân 1 hợp đồng khoảng 7 triệu đồng/ năm.

- Bảo hiểm vi mô:

Một số DNBH nhân thọ như Manulife, Dai-ichi và Prudential đã triển khai các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người có thu nhập thấp. Từ năm 2009, Manulife bắt đầu triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô phân phối thông qua hội phụ nữ. Tính đến hết năm 2013, sản phẩm đã được triển khai ở 15 tỉnh thành với hơn 120.000 hợp đồng phát hành. Prudential và Dai-ichi cũng bắt đầu nghiên cứu để triển khai thông qua hội nông dân và bán trực tiếp tại các khu công nghiệp.

- Bảo hiểm nông nghiệp:

Tính đến nay, đã có 03 DNBH tham triển khai (Bảo Việt, Bảo Minh, Vinarre) với sự tham gia của 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; trong đó tổng giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp là 394 tỷ đồng (NSNN hỗ trợ 303,6 tỷ đồng, người tham gia bảo hiểm nộp 90,4 tỷ đồng); trong đó doanh thu phí bảo hiểm thủy sản là 218 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm cây lúa là 91,9 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm vật nuôi là 83,9 tỷ đồng. Tổng số tiền đã bồi thường bảo hiểm là 701,8 tỷ đồng, trong đó: bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền 669,5 tỷ đồng; bồi thường bảo hiểm cây lúa với tổng số tiền 19 tỷ đồng; bồi thường bảo hiểm vật nuôi với tổng số tiền  13,3 tỷ đồng...

Tiếp tục chỉ đạo tái cấu trúc Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông (VASS)

Sau khi chỉ đạo VASS thực hiện góp vốn đợt 2 tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng nhằm đáp ứng các quy định của pháp luật về vốn pháp định, Bộ Tài chính hiện đang xem xét phương án yêu cầu VASS tiếp tục bổ sung vốn để đảm bảo vốn pháp định và biên khả năng thanh toán theo đúng quy định hiện hành.