Nhìn lại thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014

PV.

(Tài chính) Dù bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014 vẫn đạt những bước tiến với kết quả khá ấn tượng.

Sự gia nhập của các DNBH mới, đặc biệt là nhiều tập đoàn tài chính - bảo hiểm lớn trên thế giới đã thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều hướng tích cực trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Nguồn: internet
Sự gia nhập của các DNBH mới, đặc biệt là nhiều tập đoàn tài chính - bảo hiểm lớn trên thế giới đã thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều hướng tích cực trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Nguồn: internet

Số liệu ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10,5%; bảo hiểm nhân thọ tăng 17,9%. Báo cáo cũng cho thấy, cùng với kết quả tích cực về tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, các chỉ tiêu quan trọng khác của thị trường cũng đạt kết quả khả quan.

Cụ thể, theo thống kê từ các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tại thời điểm hiện tại, tổng số tiền đầu tư của các DNBH ước đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó, các DNBH nhân thọ đạt khoảng 102.968 tỷ đồng (tăng 18,2%), DNBH phi nhân thọ đạt khoảng 28.403 tỷ đồng (tăng 7%). Bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 18.552 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong đó các DNBH nhân thọ ước khoảng 8.199 tỷ đồng (tăng 3,9%), các DNBH phi nhân thọ ước khoảng 10.353 tỷ đồng (tăng 4,2%).

Đóng góp vào thành công chung này, nhiều DNBH lớn có tên tuổi lâu nay trên thị trường vẫn khẳng định được vị thế và tốc độ tăng trưởng của mình. Chẳng hạn như đối với Tập đoàn Bảo Việt, tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2014 (trước soát xét) của toàn Tập đoàn đạt 14.173 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ 2013, trong đó doanh thu từ lĩnh vực bảo hiểm đạt 10.280 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 996 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch năm. Trong cơ cấu lợi nhuận, lĩnh vực bảo hiểm của Tập đoàn Bảo Việt vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (65,4%), trong đó lĩnh vực nhân thọ chiếm 45,7% và lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ với 19,7%. Hay như Bảo hiểm PVI, hết 9 tháng đầu năm 2014, tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc 4.609 tỷ đồng, chiếm 23% thị phần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Ngoài ra, phải kể đến tên tuổi khác như BIC với dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt qua mốc 1.000 tỷ đồng doanh thu phíbảo hiểm, tăng trưởng 18% so với năm 2013, phấn đấu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 130 tỷ đồng đã được ĐHCĐ giao phó…

Theo thống kê từ các DNBH tại thời điểm hiện tại, tổng số tiền đầu tư của các DNBH ước đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó, các DNBH nhân thọ đạt khoảng 102.968 tỷ đồng (tăng 18,2%), DNBH phi nhân thọ đạt khoảng 28.403 tỷ đồng (tăng 7%).
Nhìn lại từng phần khúc của thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014, có thể thấy, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí mức tăng trưởng phí bảo hiểm khai thác mới của một số DN tính đến cuối tháng 9/2014 đạt gần 30%, cá biệt có DN đạt trên 40%. Có thể nói, ngoài sự khởi sắc của nền kinh tế thì ý thức về bảo hiểm của người dân ngày càng nâng cao, bắt đầu coi bảo hiểm là một nhu cầu thiết yếu. Sự gia nhập của các DNBH mới, đặc biệt là sự góp mặt của nhiều tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu trên thế giới mang các sản phẩm và dịch vụ mới đến thị trường, khiến người dân được lợi và cảm thấy thích thú hơn, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều hướng tích cực trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Ngoài ra, các DNBH đẩy mạnh các chương trình thi đua và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang tăng dần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo hiểm, hiện nay, các DNBH nhân thọ cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc 30% dân số sống ở thành thị, những người có thu nhập khá và ổn định trong khi đó phân khúc khách hàng khác như người có thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu mua bảo hiểm với mệnh giá và mức phí phù hợp gần như chưa được các DNBH quan tâm.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực phi nhân thọ, ngoài bối cảnh kinh tế chung tích cực hơn, trong năm 2014, nhiều cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực bảo hiểm được ban hành, đã và đang tạo ra những cơ hội cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển. Theo nhiều chuyên gia bảo hiểm, điểm nhấn của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2014 là tập trung vào phân khúc bán lẻ đi đôi với nâng cao dịch vụ khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn tiếp tục được giải ngân song song với các dự án đầu tư nước ngoài gia tăng, giúp thị trường bảo hiểm công nghiệp dần ổn định trở lại. Việc triển khai đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại một số DNBH đã góp phần gia tăng doanh thu cho toàn thị trường. Một số nghiệp vụ khác, trong đó, có bảo hiểm thân tàu sau một thời gian dài liên tục thua lỗ cũng đang được xây dựng bộ quy tắc điều khoản biểu phí, từng bước chuẩn hóa biểu phí, lập lại trật tự trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, năm 2014 cũng là năm khối bảo hiểm phi nhân thọ phải đối mặt với một cú sốc lớn, trong đó phải kể đến sự cố tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh khiến thiệt hại được xác định lên tới 2.500 tỷ đồng, qua đó gây ra những sức ép không nhỏ cho các DNBH phi nhân thọ. 

Theo ông Phùng Ngọc Khánh Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, cùng với việc giữ ổn định tốc độ tăng trưởng của toàn thị trường, trong năm 2014, có 3 điểm được đánh giá cao góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu của thị trường. Cụ thể, về công tác xây dựng chính sách, chế độ, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã ban hành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các cơ chế chính sách; về công tác quản lý, giám sát, Cục đã chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ quản lý, giám sát với nhiều phương pháp, cách thức đổi mới và hiệu quả; về công tác thanh tra, kiểm tra, Cục đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các DNBH (toàn diện và theo chuyên đề). Qua công tác này, Cục không chỉ phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mà còn phát hiện bất cập trong cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung từ đó tạo môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần làm cho thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.