Nhờ “mua bán nợ” doanh nghiệp dễ hồi phục

Yên Trang (Pháp luật)

Hiện nay, phía doanh nghiệp (DN) nhà nước có một đơn vị mua bán nợ là Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN (DATC) thuộc Bộ Tài chính. Khoảng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản khác thuộc các ngân hàng thương mại. Nhờ hoạt động mua bán nợ, nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh hiệu quả trở lại và có lãi.

Nhờ “mua bán nợ” doanh nghiệp dễ hồi phục
Lễ khai trương giao dịch cổ phiếu Công ty Cổ phần Đường Kon Tum

DATC hiệu quả nhưng quy mô nhỏ

Kể từ năm 2004 đến ngày 30/6/2012, DATC đã thực hiện được 121 phương án mua bán nợ và tài sản, đạt tỉ lệ thu hồi 100,1% so với giá vốn.

Nhận định về DATC, TS Phạm Hữu Hồng Thái, Phó Hiệu trưởng Đại học Tài chính Marketing, nói thực tế DATC đã giúp một số DN tái cơ cấu sau khi xử lý tài chính thông qua chuyển nợ thành vốn, nhờ đó kinh doanh của họ hiệu quả trở lại và có lãi. Những công ty này đã thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức cao như Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, Công ty Cổ phần Sadico Cần Thơ… Riêng Công ty Mía đường Sơn La trước đây không tiến hành cổ phần hóa suốt 3-4 năm, sau khi được xử lý nợ xấu, chuyển thành công ty cổ phần thì kinh doanh hiệu quả rõ rệt, tạo việc làm cho hơn 4.000 hộ dân.

Không những thế, theo ông Thái, việc xử lý tài chính và tái cơ cấu cũng góp phần giải quyết nợ thuế nhiều năm của Nhà nước khoảng 200 tỉ đồng, giải quyết nợ đóng bảo hiểm xã hội hơn 30 tỉ đồng.

“Tuy nhiên, với vốn điều lệ còn hạn chế, DATC không đủ lực cả về tài chính lẫn cơ chế hoạt động, kỹ năng xử lý khoản nợ xấu của ngân hàng và số lượng DN hiện nay” - ông Thái nói thêm.

Riêng về 20 công ty tư nhân quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng thương mại, ông Thái cho rằng họ có chức năng tiếp nhận và xử lý nợ xấu của các ngân hàng mẹ. Chẳng hạn, VietinBank, ACB, Eximbank, Techcombank… đều có công ty quản lý và khai thác tài sản. Nhưng quy mô của các DN này còn nhỏ, không đủ năng lực và công cụ để xử lý các khoản nợ xấu của nhau. Do đó, việc mua bán xử lý nợ của họ chưa giải quyết được nợ xấu, mới chỉ chủ yếu làm đẹp số liệu.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thành lập các công ty mua bán - xử lý nợ xấu là cần thiết. Thế nhưng nếu công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng thì chưa hẳn đã tốt. Bởi theo nguyên tắc, ngân hàng muốn bán khoản nợ với giá cao trong khi bên mua lại muốn giá rẻ. Và rất khó xử lý khi công ty ấy có cổ phần từ ngân hàng. Điều này sẽ tạo ra sự thiếu minh bạch cho thị trường.

Phát triển DATC lên tầm quốc gia

Câu hỏi đặt ra là thông qua DATC đã có những DN kinh doanh có lãi trở lại, vậy tại sao không phát triển thị trường này với quy mô lớn hơn, nhất là trong bối cảnh nợ xấu đang khiến nền kinh tế nghẹt thở như hiện nay?

Theo TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, có nhiều lý do khiến hoạt động thị trường mua bán nợ của Việt Nam phát triển chậm và gặp khó khăn. Chẳng hạn, số DN tham gia thị trường còn ít. Hơn nữa, đáng lý ra đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý nợ phải được phép truy cập, sử dụng thông tin liên quan được lưu giữ ở các cơ quan như thuế, bộ phận tài chính của DN, cơ quan đăng ký kinh doanh, trung tâm giao dịch chứng khoán… “Vậy mà việc tiếp xúc các đơn vị này không dễ vì họ không sẵn sàng chia sẻ hoặc chưa có đủ dữ liệu để cung cấp” - bà cho biết.

Trước mắt để thúc đẩy hoạt động mua bán nợ, PGS-TS Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM, cho rằng cần đa dạng các hình thức mua - xử lý nợ, tập trung làm tốt các công tác nợ và tài sản tồn đọng của các DN nhà nước. “Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không có khả năng thu hồi hoặc không trích lập dự phòng nợ cho các khoản phải thu khó đòi, hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc, giám đốc phải chịu trách nhiệm. Phải coi việc mua bán các khoản nợ là điều rất bình thường trong nền kinh tế!” - bà Hiền nói.

Ngoài việc tháo gỡ các rào cản, theo TS Phạm Hữu Hồng Thái, thị trường mua bán nợ phải được phát triển lên tầm quốc gia. Công ty mua bán nợ tầm quốc gia sẽ là đơn vị tổ chức giám sát hoạt động của các công ty tư nhân, giống như mô hình tổ chức và phương thức hoạt động giống ngân hàng hiện nay.

Muốn phát triển thị trường mua bán nợ, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước và DN muốn tái thiết. Ví dụ, Nhà nước có thể đưa ra cơ chế ưu đãi thuế với DN đang nợ. Chứ nếu theo cơ chế hiện hành, DN không nộp thuế thì mỗi ngày tính lãi 17%/năm, tích lũy lại rất lớn

Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc DATC