Những cuộc “làm xiếc” với lỗ, lãi của doanh nghiệp FDI

Theo doisongphapluat.com

(Tài chính) Thông tin mới nhất do ngành thuế phát ra là từ cuộc thanh tra, kiểm tra về lỗ, lãi tại các doanh nghiệp (DN) FDI, tính đến tháng 9 vừa qua, có 122 DN tại 23 tỉnh, thành phố "dính chàm".

Những cuộc “làm xiếc” với lỗ, lãi của doanh nghiệp FDI
Nhiều DN đang "làm xiếc" với giá để trốn thuế. Nguồn: internet
Các DN trên buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng.

Tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các DN này tăng lên là 2.599 tỷ đồng. Đặc biệt, có 529 DN báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu.

Tư vấn người Việt "vẽ đường" cho DN FDI trốn thuế?

Theo tài liệu của Tổng cục Thuế, hầu hết các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hình thức khai giá, "làm xiếc" với giá vô đối hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến lương thực thực phẩm, bất động sản, xây dựng, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản...

Một cán bộ của Tổng cục Thuế, từng thanh, kiểm tra về giá của DN FDI đã thốt lên: "Không ngờ, số thuế phải truy thu từ "làm xiếc" với giá lại lớn đến như vậy. Có nghĩa là DN FDI đã nghiên cứu rất rõ về chính sách giá của Nhà nước ta, sau đó lợi dụng những kẽ hở của chính sách này để trốn thuế, để biến lãi thành lỗ".

Vị cán bộ này cũng thừa nhận, chắc chắn phải có ai đó am hiểu về thuế, các chính sách về giá, tư vấn thì các chủ DN FDI mới ngọn ngành việc lách luật, "làm xiếc" với giá, trốn thuế ngoạn mục được như vậy. Thuế là nguồn thu chính để duy trì sự hoạt động của thể chế, sao họ lại vì cái nhỏ mà "vạch áo cho người xem lưng".

Quá trình hoạt động, thấy bất cập, họ nên tư vấn để sửa đổi, hoàn thiện chính sách chứ nghiên cứu để "lách luật", trốn thuế giúp người nước ngoài một cách vô đối như thế, quả khó chập nhận?" - vị cán bộ thuế đau đớn thừa nhận.

Điều mà vị cán bộ này bức xúc hơn nữa là đi thanh, kiểm tra, chủ DN người nước ngoài cứ ngồi im để cho người Việt được thuê, tranh cãi với cán bộ thuế. Nhiều vị "cố vấn" pháp luật còn "cãi chày, cãi cối" theo kiểu, "tôi không thể sai trước mặt chủ DN".

Qua tìm hiểu của PV, chúng tôi được biết, đó cũng là lẽ tự nhiên. Vì, tìm được việc, làm "cố vấn" hay tư vấn pháp luật cho một DN FDI không hề dễ. Nó có cuộc cạnh tranh ngầm rất lớn. Người tư vấn này buộc phải làm lợi cho chủ DN thì mới tồn tại được ở DN đó. Khi những "mánh" của họ đã bị cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện, chắc chắn, họ bị sa thải. Bởi thế, họ cãi là đúng. Cũng vì miếng cơm, manh áo và cái sự sĩ diện cả thôi.

Thực chất, ngành thuế cả nước liên tục có những cuộc thanh, kiểm tra, tổng rà soát trên diện rộng đối với DN FDI và đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu đáng lo ngại từ cái gọi là lỗ giả, lãi thật, "làm xiếc" với  giá để trốn thuế của họ...

Xử lý ai và như thế nào?

Kê khai, báo lỗ với cơ quan quản lý Nhà nước, với cơ quan thuế nhưng không ít DN FDI vẫn thường xuyên đề nghị hoàn thuế và không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Lỗ, sao vẫn có vốn mở rộng sản xuất kinh doanh?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình H. (hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) cho biết: "DN FDI hoạt động ở nước ta sướng hơn nhiều các nước khác. Cụ thể, "đầu vào", họ bị kiểm tra gắt gao, chờ thủ tục hơi lâu. Khi có giấy chứng nhận đầu tư rồi, họ hầu như được thả lỏng. Vì thế mới xảy ra việc, nhiều chủ DN FDI nợ lương công nhân nhiều tháng, nợ bảo hiểm xã hội của công nhân hàng năm, vay ngân hàng nhiều tiền với kế hoạch trên trời rồi bỏ trốn về nước, lúc đó cơ quan quản lý mới phát hiện ra. Thực tế, khi cơ quan Nhà nước phát hiện ra thì cũng quá muộn rồi".

Cũng theo ông H., phần lớn các nước, khi có DN nước ngoài đầu tư vào, họ theo dõi thường xuyên hoạt động của DN để kịp thời điều chỉnh. Cách theo dõi của họ không phải là liên tục thành lập đoàn thanh, kiểm tra, mà họ theo dõi theo cơ chế giám sát thuế, biểu giá phát triển và xuất, nhập khẩu của DN ở cơ quan Hải quan. Từ đó, họ dễ dàng "bắt bệnh" của DN và kịp thời điều chỉnh để Nhà nước và người lao động bị gánh hậu quả như chúng ta hiện nay".

Luật sư Nguyễn Hoàng Lĩnh, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho DN FDI tại Hải Phòng phân trần: "Làm tư vấn pháp luật cho DN FDI ở Việt Nam không dễ. Chủ DN luôn yêu cầu người làm thuê phải nghĩ, phải vận động để giảm tối thiểu chi phí, tăng tối đa lợi nhuận. Nhiều ông chủ, họ khá am hiểu về chính sách pháp luật kinh tế của Việt Nam, chính họ là người yêu cầu tư vấn pháp luật tìm các văn bản để "lách". Thế nhưng, cũng có tư vấn tự "hiến kế" cho họ. Đây là vấn đề nghề nghiệp, tôi không muốn đi sâu vào khía cạnh liên quan đến "cần câu cơm của đội ngũ tư vấn". Song, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện liên quan đến thuế, giá cả đã làm cho chủ DN FDI nảy sinh ý định trốn thuế... Có nghĩa là chúng ta phải hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến giá, chống chuyển giá, hoàn thuế của DN FDI".

Theo luật sư Lĩnh, không phải là không có cơ chế xử lý DN "làm xiếc" với giá. Song, nếu họ khắc phục đầy đủ tiền trốn thuế, cam kết không trốn thuế, không "làm xiếc" với giá nữa, báo cáo lỗ, lãi minh bạch thì chúng ta cũng đừng quá "căng thẳng" làm cho môi trường đầu tư vào Việt Nam bị ảnh hưởng. Việc chúng ta cần làm là nâng cao ý thức của những người làm tư vấn pháp luật cho DN FDI.