Những động thái tích cực trong bức tranh doanh nghiệp quý I/2014

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trong quý I/2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.

Những động thái tích cực trong bức tranh doanh nghiệp quý I/2014
Trong quý I/2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nguồn: internet

Từ quý II/2013: Số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng trở lại

Điều đáng lưu ý là bắt đầu từ quý II/2013 đến nay, các quý đều có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: quý II/2013 tăng 20,1%, quý III/2013 tăng 18,1%, quý IV/2013 tăng 8%, so với cùng kỳ năm trước.

Tại các vùng kinh tế trong cả nước đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp thành lập so với cùng kỳ năm 2013: vùng Đồng bằng sông Hồng có 4.942 doanh nghiệp thành lập tăng 10,5%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 746 doanh nghiệp thành lập tăng 35,9%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 2.443 doanh nghiệp thành lập tăng 20%; vùng Tây Nguyên có 974 doanh nghiệp thành lập tăng 133%; vùng Đông Nam Bộ có 7.638 doanh nghiệp thành lập tăng 18,2%; vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có 1.613 doanh nghiệp thành lập tăng 2,5%.

Ngược với xu hướng gia tăng chung của cả nước, một số địa phương vẫn có sự suy giảm về số doanh nghiệp thành lập mới, như: Hải Phòng giảm 4,4%; Quảng Ninh giảm 7,1%; Khánh Hòa giảm 16,6%; Bình Định giảm 36,4%; Sóc Trăng giảm 41,8%; Hậu Giang giảm 42,7%; Cao Bằng giảm 53,8%.

Về lĩnh vực, ngành nghề đăng ký hoạt động, trong quý I/2014 hầu hết đều có sự gia tăng của số doanh nghiệp thành lập mới, đặc biệt, một số ngành có tỷ lệ tăng cao như: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,2%; Kinh doanh bất động sản tăng 22,6%; Thông tin và truyền thông tăng 42,4%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 42,4%; Giáo dục và Đào tạo tăng 51,2%; Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 52,1%; Sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng 57,3%.

Số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động trước và trong quý I/2013 quay trở lại hoạt động là 4.622 doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm: vùng Đồng bằng Sông Hồng 1.458 doanh nghiệp (Hà Nội 1.052 doanh nghiệp); vùng Đông Nam Bộ 1.913 doanh nghiệp (Hồ Chí Minh 1.525 doanh nghiệp).

Lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tập trung nhiều nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 1.654 doanh nghiệp.

Quý I/2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động, nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 3.846 doanh nghiệp, tăng 7,8%; Số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 10.318 doanh nghiệp, tăng 9,3%; Số doanh nghiệp giải thể là 2.581 doanh nghiệp, tăng 13,6%

Ngược với xu hướng tốt lên của doanh nghiệp thành lập mới, khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng, như: vùng Đông Nam Bộ tăng 18,1%, Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 26,1%.

 Tuy nhiên, một số khu vực được coi là đầu tàu kinh tế đã có xu hướng tốt lên so với cùng kỳ năm 2013 là Đồng bằng Sông Hồng có số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động giảm 3%.

Xem xét các lĩnh vực, ngành nghề doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong quý I/2014, một số ngành có dấu hiệu tốt hơn khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể giảm, như: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas giảm 5,4%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 14,7%; Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân giảm 33%.

Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực vẫn có số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng cao như: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 52,5%; Giáo dục và đào tạo tăng 27,3%.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp dần phát huy tác dụng

Đánh giá về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh là Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các giải pháp bước đầu đã thu được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế dần dần vượt qua thời kỳ khó khăn.

Với những chính sách giảm, giãn, hoàn, miễn thuế, phí, lệ phí được ban hành trong năm 2013, thì một số ngành trực tiếp được hưởng lợi từ các chính sách này và có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều trong Quý I năm 2014 như Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (1.654 doanh nghiệp); Xây dựng (878 doanh nghiệp); Công nghiệp chế biến, chế tạo (579 doanh nghiệp).

Từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp trên thị trường ngân hàng hạ dần, tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Các ngành, lĩnh vực có tỷ lệ sử dụng vốn vay cao là những ngành hưởng lợi nhiều nhất, thể hiện qua số liệu doanh nghiệp tham gia vào các ngành này như: Công nghiệp chế biến và chế tạo (thành lập mới tăng 4 quý liên tiếp), Xây dựng đã tăng 6% trong quý I/2014 so với cùng kỳ năm 2013, trong khi năm 2013 giảm 3,7% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra còn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Sự chậm trễ trong việc đi vào hoạt động của Công ty Quản lý và khai thác tài sản Việt Nam đã dẫn đến hiệu quả hoạt động của đơn vị này trong năm 2013 là không rõ nét và vẫn chưa xử lý được vấn đề nợ xấu cũng như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như kỳ vọng đã đặt ra.

Ngành tài chính và ngân hàng vẫn thế hiện tình trạng khó khăn khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng tới 58,6% trong năm 2013 so với năm 2012.

Trong Quý I năm 2014, tình hình của khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã có dấu hiệu cải thiện khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng 18,9%, ngừng hoạt động, giải thể giảm 14,7%.

Một trong các giải pháp giải quyết hàng tồn kho bất động sản là gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà tiếp cận nguồn tín dụng có lải suất thấp, ổn định.

Tuy nhiên, do tiến độ giải ngân của gói tín dụng này quá chậm nên chưa có nhiều tác động hỗ trợ đối với doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dừng hoạt động trong Quý I/ 2014 vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm 2013 (cả năm 2013 tăng 21,9% so với năm 2012)….

Cơ hội đan xen thách thức?

Cuối năm 2013, hầu hết các dự báo về tình hình kinh tế thế giới đều đánh giá tốc độ tăng trưởng năm 2014 sẽ khả quan hơn ở các lĩnh vực và các nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình chính trị bất ổn tại Ukraina và các điểm nóng khác trên thế giới đe dọa đến đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, đầu năm 2014, đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga do căng thăng chính trị tại Ukraina leo thang.

Mặc dù quy mô các biện pháp trừng phạt còn nhỏ, nhưng nếu các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt và trả đũa kinh tế mạnh mẽ hơn giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi chung của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị ứng phó với những khó khăn nảy sinh khi các thị trường xuất khẩu của nước ta như EU, Mỹ, Nga gặp khó khăn.

Tình hình trong nước còn khó khăn, nhưng dấu hiệu phục hồi đã rõ ràng hơn do tình hình kinh tế trong nước đang dần ổn định, cũng như các chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ phát huy tác dụng. Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, năm 2014 tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,67%-6,3%, chỉ số CPI tăng khoảng 7%-7,5%.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp có những cơ hội sau:

- Sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong năm 2014 là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp yên tâm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất.

- Dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài dự báo sẽ tăng đáng kể trong năm 2014, tạo động lực thúc đẩy đà hồi phục của doanh nghiệp, mở rộng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng do các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định TPP được Việt Nam ký kết với các nước trên thế giới.

- Lãi suất ngân hàng ở mức hợp lý, giảm gánh nặng chi phí lãi vay của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đó là:

- Với việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh sẽ tăng lên đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu so với các nước đối tác.

- Chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao, nợ xấu chưa được giải quyết mạnh mẽ, sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tốt, tiêu dùng nội địa còn yếu là những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2014.

Doanh nghiệp vẫn mong chờ những hỗ trợ

Trong năm 2014, Chính phủ cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển tốt sử dụng hàm lượng chất xám, trình độ quản lý cao và giảm dần các ngành tiêu tốn nhiều vốn và lao động nhưng hiệu quả kinh tế thấp.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong thời gian tới, Chính phủ vẫn tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường công khai, minh bách hóa chính sách, thủ tục hành chính về đầu tư - kinh doanh, thông tin doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiềm năng cho sản phẩm xuất khẩu.

 Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, cung ứng chuỗi; thu hút, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao, sử dụng nhiều chất xám; tạo điều kiện, môi trường, chính sách thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư ra nước ngoài.

Đồng thời, đẩy nhanh quá trình giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; khắc phục những yếu kém, tồn tại của thị trường bất động sản như vấn đề hàng tồn kho bất động sản, tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dẫn nhằm củng cố lại niềm tin của người dân; hoàn thiện thị trường chứng khoán theo định hướng trở thành kênh huy động vốn của doanh nghiệp.

Triệt để thực hiện lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đề xuất các biện pháp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cổ phần hóa tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

 Ban hành các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước làm động lực tăng trưởng của doanh nghiệp như tăng cường quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, tình trạng cạnh tranh…

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về những cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong giai đoạn tới.