Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014:

Những khuyến nghị quan trọng (*)

Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

(Tài chính) Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2014 diễn ra sáng 28/4/2014, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có bài tham luận quan trọng về tình hình hoạt động của DN trong năm 2013, 4 tháng đầu năm 2014, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm giúp cộng động phát triển bền vững, ổn định trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. FinancePlus.vn trân trọng lược trích và giới thiệu nội dung bài tham luận này đến độc giả.

Hệ thống ngân hàng thương mai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: internet
Hệ thống ngân hàng thương mai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: internet

DN là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong gần 30 năm đổi mới, hoạt động của DN Việt Nam đã có bước phát triển đột biến, giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu và mô hình kinh tế và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội...

Tình hình hoạt động của các DN năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014  

Nối tiếp Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2013, việc ban hành sớm ngay từ đầu năm Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tái cơ cấu đã và đang được quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các DN và toàn dân, tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà phục hồi của năm 2013: Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức nhất trong vòng 13 năm gần đây; Kim ngạch xuất, khẩu duy trì đà tăng khá; Giải ngân FDI có xu hướng ổn định; Thanh khoản của hệ thống NHTM dồi dào, lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN; tỷ giá ổn định; thị trường bất động sản tiếp tục ấm dần. Nhờ đó, một số điểm nghẽn cơ bản tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh đã được cải thiện khá rõ nét, so với năm 2012 hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đã có những khởi sắc đáng ghi nhận:

Một là, sự phát triển và mức độ đóng góp vào tăng trưởng và ngân sách của các khu vực DN dần đồng đều hơn, chất lượng và năng lực hoạt động của khu vực DN ngoài nhà nước ngày càng được tăng cường: DN ngoài nhà nước, DNNN và DN FDI lần lượt đóng góp hơn 40% GDP, 32,2% GDP và 19,54% GDP cuối năm 2013. Đặc biệt, hiệu quả đầu tư của khu vực DN tư nhân cao nhất, hệ số ICOR thấp trong 3 khu vực (3,63 lần giai đoạn 2011-2013), đóng góp khoảng 22% vào NSNN giai đoạn 2006-2013; Các DN FDI cũng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đóng góp 67% về giá trị xuất khẩu.

Hai là, sự chuyển dịch vốn và lao động theo hướng tích cực, tạo việc làm và tăng thu nhập, trong khi vốn và lao động khu vực DNNN giảm chỉ còn 25,9% và 12,76% thì khu vực DN ngoài nhà nước tăng 55,5% và 62,78% giai đoạn 2007-2013; tốc độ tăng chỉ số tồn kho đã giảm thấp hơn cùng kỳ năm 2012; đồng thời góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cả nước giảm còn 2,18% quý I/2014, thấp hơn cùng kỳ năm 2013 (2,27%), thu nhập bình quân của người lao động năm 2013 đã tăng gấp 2,5 lần năm 2007.  

Ba là, hoạt động của các DN tài chính, ngân hàng và bảo hiểm được cải thiện tích cực: hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng được đảm bảo cao hơn mức 9%, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khoảng hơn 65% DN (tăng so với mức 57% của năm 2012), tích cực gia tăng trích lập dự phòng rủi ro và chủ động xử lý nợ xấu. Đặc biệt, vai trò của hệ thống NHTM Nhà nước được tăng cường trong thực thi chính sách tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu.

Đánh giá các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với DN Việt Nam

Thứ nhất, về thể chế: Các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như thủ tục thuế quan, hải quan, áp dụng công nghệ thông tin... theo Nghị quyết 19/NQ-CP ban hành ngày 18/03/2014 đang được các Bộ, ngành thúc đẩy mạnh mẽ. Song song với đó, một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh đang được sửa đổi, thay mới như Luật DN, Luật đầu tư, Luật Phá sản, Luật đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại DN, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở ...

Thứ hai, về chính sách giảm, giãn, hoàn, miễn thuế, phí, lệ phí, ưu đãi tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế cho các đối tượng khó khăn... năm 2013 tiếp tục được thực thi và bổ sung (thuế thu nhập DN đã giảm từ 25% xuống còn 22% từ ngày 1/1/2014) nhằm hướng đến hỗ trợ trực tiếp các DN, đặc biệt các ngành như bất động sản, nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo... và đảm bảo an sinh xã hội và kích thích tổng cầu.

Thứ ba, về vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ thống NHTM trong tháo gỡ khó khăn cho DN: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, thể hiện vai trò tích cực góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, chủ động, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Các NHTM chủ động đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng hiệu quả hoạt động và khơi thông dòng vốn tín dụng hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối Ngân hàng và DN, góp phần khai thác lợi thế tiềm năng của các vùng, phát triển cân đối vùng miền trên cả nước; Toàn ngành ngân hàng có những đóng góp tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội. Cụ thể:  

+Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động, giảm mặt bằng lãi suất góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Lãi suất huy động và cho vay đã được điều chỉnh giảm mạnh 2-3% so với cuối năm 2013, góp phần tạo điều kiện tốt cho DN tiếp cận vốn vay, riêng 05 lĩnh vực ưu tiên lãi suất giảm từ mức 15% năm 2012 xuống chỉ còn mức 8%/năm. Nhờ đó, hoạt động cho vay đã tăng trở lại, tín dụng tính đến 22/04/2014 tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Cùng với đó, cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn, DNNVV, tập trung cho các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

+ Tích cực xử lý nợ xấu: NHNN đã điều chỉnh một số điều trong Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD nhằm hỗ trợ khó khăn cho TCTD và DN đồng thời tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế; NHNN cũng tăng cường hỗ trợ việc thúc đẩy hoạt động và vai trò của VAMC, dự kiến VAMC sẽ tiếp tục mua thêm ~70.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu năm 2014.

+ Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản: Một số chương trình được triển khai tích cực, góp phần tạo sức lan tỏa, giúp thị trường BĐS ấm dần lên và ổn định tâm lý xã hội như: chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng từ tháng 6/2013 (tính đến hết ngày 15/4, ngân hàng đã giải ngân 975,7 tỷ đồng cho gần 4.000 hộ và giải ngân 723,8 tỷ đồng cho 17 dự án của các DN); triển khai chương trình tín dụng liên kết 4 nhà với sự tham gia của 8 ngân nhàng từ tháng 4/2014.

+ Đối với lĩnh vực nông nghiệp: NHNN đã phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và NHNN (NHNN hỗ trợ gói tín dụng 8.000 tỷ đồng) thực hiện chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo từ ngày 15/03/2014; khoanh nợ và cho vay mới trên cơ sở kế hoạch kinh doanh hiệu quả, khả thi, không phụ thuộc vào các khoản vay nợ cũ với khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn (Theo Quyết định 540/QĐ-TTg); NHNN cam kết thành lập gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, lãi suất vay 5%/năm, thời hạn 10 năm để hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là đánh bắt xa bờ; thí điểm triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu: chăn nuôi – chế biến – xuất khẩu.

+ Hỗ trợ hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối Ngân hàng và DN, góp phần phát triển cân đối vùng miền: NHNN cùng với các Bộ ngành và NHTM phối hợp tổ chức có hiệu quả các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các địa phương nhiều tiềm năng như: Đồng bằng sông Cửu Long, Nghệ An, Bình Định, Quảng Bình, Tây nguyên, Tây Bắc... tạo cầu nối gắn kết giữa Ngân hàng - Địa phương - DN, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và mở rộng ngành nghề trên cơ sở khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của các vùng, góp phần "xóa đói giảm nghèo", nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Tham gia tích cực công tác an sinh xã hội: Tính từ năm 2008 đến nay, ngành ngân hàng đã đóng góp tài trợ an sinh xã hội cho 63 tỉnh, thành là 4.864 tỷ đồng. Mặc phải đối diện với nhiều khó khăn trong năm 2013 song với trách nhiệm xã hội cao, các TCTD vẫn tích cực tài trợ an sinh xã hội, tập trung đền ơn đáp nghĩa, phát triển giáo dục, y tế, hỗ trợ người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai...

Những điểm cần lưu ý và một số đề xuất kiến nghị

Những tồn tại, hạn chế và thách thức với DN Việt Nam

Thứ nhất, hạn chế công nghệ và khả năng cạnh tranh: Với quy mô nhỏ, công nghệ, năng lực đổi mới thấp (đa số vẫn thủ công), năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam còn yếu ngay cả trên thị trường nội địa, hầu hết DN chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đây là hạn chế lớn nhất nếu không sớm được khắc phục, DN Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh hội nhập thương mại tự do khu vực và thế giới.

Thứ hai, thị trường tiêu thụ hàng hóa còn khó khăn, hàng tồn kho lớn: Sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế vẫn yếu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm chỉ tăng 10,2%, thấp hơn mức tăng 11,8% cùng kỳ năm 2013, tỷ lệ giá trị tồn kho cao. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tâm lý sính hàng ngoại cũng là một trong những rào cản lớn của DN Việt Nam.

Thứ ba, khó khăn trong tiếp cận vốn vay, đặc biệt là các DN tư nhân, DNNVV: Hiện nay, khoảng gần 35% DN không tiếp cận được vốn ngân hàng, đặc biệt là DNNVV; nhiều DN vẫn chịu lãi suất vay cao 15 - 18%. (1) Nguyên nhân khách quan: Khó khăn chung của kinh tế vĩ mô, thị trường BĐS và TTCK, sức cầu yếu, hàng hóa tồn kho cao; (2) Nguyên nhân chủ quan: (i) Từ phía NH: Tâm lý e ngại nợ xấu cũng như sau những vụ việc sai phạm trong lĩnh vực NH; các điều kiện vay vốn chưa phù hợp với DNNVV; (ii) Từ phía DN: Do tâm lý e ngại lãi suất cao, hiệu quả kinh doanh thấp, năng lực tài chính hạn chế, tính minh bạch trong báo cáo tài chính của DN chưa cao...

Thứ tư, bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động: Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới đối với 62 quốc gia, chỉ số quản trị DN của các chủ DN chi đạt 3.7/7 điểm và thuộc nhóm thấp nhất (56/62); có tới 75% lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Thứ năm, áp lực cạnh tranh gia tăng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng: việc mở cửa thị trường và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh sẽ tăng lên đối với DN Việt Nam về đầu tư cũng như chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm, chất lượng hàng hoá,.. đặc biệt trong bối cảnh quy mô sản xuất, trình độ công nghệ của DN Việt Nam còn yếu so với các nước đối tác.

Thứ sáu, tính gắn kết của các DN Việt Nam chưa cao, chưa được phát huy đúng mức, còn có sự phân biệt khá lớn giữa DNNN và các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân về cơ chế chính sách, thuế, phí, công nghệ, giải pháp ưu đãi, hỗ trợ...

Một số giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế quản lý và môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng: Nhà nước và Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định, minh bạch, sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần, khu vực DN, kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền DN.

Thứ hai, nghiên cứu, triển khai gói kích cầu: Chính phủ cần sớm nghiên cứu “gói kích thích tổng cầu đồng bộ” trong đó bao gồm cả kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, điển hình, tạo nhiều công ăn việc làm, có năng suất cao, có sức lan tỏa với các lĩnh vực khác như bất động sản, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghiệp công nghệ cao... Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các Bộ, ngành liên quan, VCCI và các Hiệp hội DN đề xuất với Chính phủ về quy mô, liều lượng, đối tượng, thời hạn và cách thức triển khai trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói kích cầu năm 2009 và kết hợp với việc thực hiện công tác an sinh xã hội.

Thứ ba, về hỗ trợ thị trường bất động sản: Bên cạnh các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, đề nghị Bộ Xây dựng, Cục xúc tiến đầu tư nước ngoài và các bộ ngành phối hợp hoàn thiện quy chế cho phép người nước ngoài tham gia mua bán nhà ở tại Việt Nam, thành lập Công ty cho vay tái thế chấp nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, từ đó hỗ trợ các ngành công nghiệp liên quan như công nghiệp thép, vật liệu xây dựng, ...

Thứ tư, về hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn hướng đến đảm bảo an sinh xã hội: (1) Hỗ trợ tài chính trực tiếp với các đối tượng nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách; (2) Hỗ trợ lãi suất dưới 5% để cho vay vốn trung dài hạn trong nông nghiệp đảm bảo phù hợp với chu kỳ sản sản xuất kinh doanh nông nghiệp; (3) Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác bình ổn giá, tránh “gây sốc” cho thị trường, gia tăng bảo hộ nông nghiệp nội địa; Phát triển các chương trình đưa hàng về nông thôn, các hội chợ thương mại kết hợp với các Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại các vùng miền; (4)Bộ tài chính nghiên cứu phương án giảm thuế xuất khẩu nông sản.

Thứ năm, tích cực xử lý nợ xấu: (1) Về hệ thống pháp lý: Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm; Bộ tài chính ban hành cơ chế phát triển thị trường mua - bán nợ; (2) Về phía VAMC: Tăng cường năng lực tài chính của VAMC bằng cách tăng vốn điều lệ lên mức cao hơn 2.000 tỷ đồng; bổ sung nguồn tiền từ CPH tăng năng lực cho DATC nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu của các DNNN, NHTM; (3) Về phía TCTD, đẩy mạnh việc bán nợ cho VAMC và phối hợp với VAMC xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, gia hạn trả nợ đối với khách hàng có phương án tái cấu trúc tốt, có lộ trình trả nợ, có điều kiện phục hồi sản xuất (đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên).

Thứ sáu, nâng cao chất lượng và quy mô của TTCK là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho DN, nền kinh tế, giảm sức ép cung cấp vốn của hệ thống ngân hàng: (i) Bộ Tài chính sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các quy định quan trọng trong thời gian sớm nhất: Quy định tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN trên TTCK; Quy định về thành lập tổ chức định mức tín nhiệm trong nước; Thành lập trung tâm thông tin DN; (ii) Đẩy mạnh bổ sung hàng hóa cho TTCK, áp dụng chế tài mạnh hơn đối với các DN đã IPO còn chậm lên sàn; hỗ trợ DN phát hành trái phiếu thành công.

Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng với thế giới, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí đoàn kết trong mỗi người dân đất Việt, trong từng DN sẽ được khơi dậy, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thống nhất đưa kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức, nâng cao sức cạnh tranh, đưa con thuyền kinh tế Việt Nam tiến bước thịnh vượng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, an sinh xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

(*) Tít bài do FinancePlus.vn đặt.