Những “nút thắt” trong phát triển

Theo TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Đại học Lincoln - Malaysia/daibieunhandan.vn

Chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đánh giá là vấn đề cốt lõi của chính sách thay đổi của Việt Nam. Tuy nhiên quá trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua rất khiêm tốn, đặc biệt, chưa nhắm đến mục tiêu DNNN lớn cũng như chưa tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư chiến lược từ các nền kinh tế phát triển tham gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quá trình cổ phần hóa trong thời gian qua đang diễn ra rất chậm. Mặc dù chương trình cổ phần hóa ấn tượng nhưng chiến lược phát triển có vẻ thiếu tính gắn kết. Tuy coi doanh nghiệp tư nhân là động cơ của sự phát triển và tăng trưởng nền kinh tế nhưng mặt khác doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo của nền kinh tế.

Do vậy các doanh nghiệp cổ phần hóa giá trị thường nhỏ và phần sở hữu nhà nước trong nền kinh tế đã ổn định trong những năm qua. Điều này không có khả năng gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, nếu nền kinh tế được thống trị bởi DNNN sẽ không mang khả năng tăng trưởng đều đặn. Trên thế giới không có quốc gia nào trở nên giàu có bằng cách dựa vào DNNN.

Có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất, Việt Nam tăng trưởng tốt và ổn định. Do vậy chính sách thay đổi sẽ diễn ra từ từ vì không cần phải theo đuổi mục tiêu lớn của cổ phần hóa. Thứ hai, Việt Nam có lợi thế đi sau trong vấn đề cổ phần hóa, do vậy có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới, đặc biệt chương trình này đã khá phổ biến trong nền kinh tế chuyển đổi và thu nhập thấp. Cuối cùng, Việt Nam có thể học hỏi từ những cố gắng trong cải cách DNNN và cổ phần hóa, những phương pháp tiếp cận khác nhau về cổ phần hóa cũng đã được thử nghiệm tại Việt Nam và cũng đã được so sánh các chiến lược thay thế. Do đó thay vì phát minh bánh xe, Việt Nam có thể sử dụng các phương pháp hữu ích trong quá khứ như ở các nước khác áp dụng cho mình trong giai đoạn cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020.

Nhiều ý kiến tại các cuộc hội thảo cho thấy, Việt Nam cần một triết lý phát triển xuyên suốt cho 20 năm tới và nhiều thế hệ sau đó. Triết lý này phải bao gồm những quyết sách mang tính cốt lõi: thay đổi cấu trúc sở hữu của xã hội, thay đổi cấu trúc quản lý (Nhà nước phải trao quyền cho xã hội và cho dân nhiều hơn), thay đổi cơ chế vận hành, và thay đổi cách thức hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Từ việc phân tích, so sánh, báo cáo kinh tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cho rằng hiện nay chúng ta đang có một loạt những “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội như: Năng suất lao động kém; hệ thống đổi mới, sáng tạo và tiến trình đô thị hóa còn nhiều bất cập... Theo báo cáo, hiệu suất lao động ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Việt Nam đều thấp và kém xa các nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Việt Nam như: ngân hàng, bất động sản, xây dựng chiếm tới hơn 30% nguồn vốn, nhưng hoạt động rất kém hiệu quả.

Năng lực đổi mới sáng tạo thấp cũng là một điểm tắc nghẽn trong phát triển của Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực tư nhân. Trong kinh tế tư nhân ở Việt Nam, quy mô doanh nghiệp nhỏ và kinh tế hộ gia đình chiếm phần lớn tỷ trọng tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân khả năng phát triển rất kém trong hợp tác nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo. Do vậy Chính phủ mong muốn doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành động cơ cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế trong tương lai, chúng ta nhất thiết phải thực hiện đổi mới chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh mang tính ổn định và bền vững.