Nhượng quyền thương hiệu: Hoa thơm và trái đắng

Theo dddn.com.vn

Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền vẫn đang tiếp tục diễn ra rất sôi động mà điển hình gần đây nhất là McDonald đã công bố có mặt tại Việt Nam. Thế nhưng, một thực tế mà ít người biết là nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam đang phải nhận trái đắng nhiều hơn hoa thơm.

Nhượng quyền thương hiệu: Hoa thơm và trái đắng
Việt Nam đã có những DN sở hữu những thương hiệu nhượng quyền của riêng mình và thành công không chỉ trong nước. Nguồn: internet
Đến thời điểm này, hầu hết những thương hiệu nhượng quyền hàng đầu trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, Subway, Starbuck và mới đây nhất ngày 15/7, McDonalds đã công bố tìm được đối tác nhượng quyền thương mại của mình tại Việt Nam.

Người trong muốn ra, kẻ ngoài muốn vào

Bên cạnh những DN tham gia làm đối tác nhượng quyền cho những thương hiệu lớn này thì Việt Nam đã có những DN sở hữu những thương hiệu nhượng quyền của riêng mình như Phở 24, Trung Nguyên, Wrap & Roll, Kinh Đô Bakery... Không chỉ nhượng quyền thành công trong nước các thương hiệu này còn đạt được rất nhiều thành công ở các quốc gia khác như Mĩ, Nhật, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Ba Lan, Ukraina… Sự thành công của các DN này đã mở đường và tạo cảm hứng cho nhiều DN Việt Nam tham gia kinh doanh nhượng quyền.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đang có một thực tế diễn ra trong kinh doanh nhượng quyền là người trong muốn ra, kẻ ngoài muốn vào. Bởi cùng với những ảnh hưởng của khủng hoảng, sự tham gia ngày càng nhiều của các đối thủ mới khiến sự cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt.

Bán hay giữ ?

Trong khi đó, nhiều DN của ta do phát triển quá nhanh, quá nóng nên đang gặp nhiều hạn chế trong việc quản lý chất lượng nhượng quyền gây ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến An toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông chủ thương hiệu Phở 24 thì quyết định bán thương hiệu này với giá 20 triệu USD có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là do lỗi quản trị hệ thống và Phở 24 gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu đồ ăn nhanh có tiếng ồ ạt đổ vào VN. Việc Phở 24 phải bán chuỗi cửa hàng của mình khiến những DN đang mất kiểm soát hệ thống nhượng quyền của mình không khỏi lo lắng. Bởi những rắc rối, những sự cố liên tục xảy ra trong hệ thống nhượng quyền của họ đang gây ra nhiều hệ lụy.

Theo CEO, về ngắn hạn DN phải ngay lập tức thành lập bộ phận phản ứng nhanh, cử người giám sát, hỗ trợ các cửa hàng gặp sự cố. Đồng thời, công ty phải đào tạo đội ngũ nhân viên tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và học hỏi kinh nghiệm xử lý khủng hoảng hệ thống của các DN đi trước. DN nên tận dụng cơ hội này để xử lý truyền thông theo phương châm “biến nguy thành cơ”.

Về lâu dài, DN nên tìm đối tác để liên kết hoặc bán lại chuỗi cửa hàng. Thấy được sự nguy ngập của vấn đề quản trị nhượng quyền thương hiệu của DN, Hội đồng quản trị cho rằng DN cần xem xét vấn đề một cách toàn diện, hành động phải nhanh và quyết liệt. Do đó, CEO ngay lập tức khoanh vùng xảy ra sự cố và tìm nguyên nhân khiến các cửa hàng gặp vấn đề. Đồng thời, Cty phải  tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn xã hội. Sau đó công ty phải thông tin rộng rãi đến công chúng về các nguyên nhân khách quan gây ra các sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng của công ty.

Điều quan trọng là DN cần phải xây dựng chiến lược quản trị nhượng quyền bài bản, cụ thể, có chiến lược và có tầm nhìn hơn. Bên cạnh đó, xem xét lại các quy chế trong hợp đồng nhượng quyền, siết chặt các điều khoản liên quan đến Vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí, nếu cần thiết, công ty nên thuê sự hỗ trợ của các chuyên gia. Cuối cùng, nếu buộc phải bán thì DN cần phải tính toán kỹ lưỡng và chiến lược bán bài bản, khôn ngoan.