Nợ của Vinalines đã bắt đầu bán được

Theo TBKTSG

(Tài chính) Vietcombank là tổ chức tín dụng đầu tiên đã bán nợ của Vinalines cho Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính và thu hồi một phần nợ gốc. Vietcombank đã thực hiện việc bán khoản nợ của Vinalines theo giá thị trường, sau thời gian tái cơ cấu nợ lần 1 (dự kiến hết năm 2014 hết thời gian cơ cấu) nhưng Vinalines vẫn không có khả năng trả nợ.

Khoản nợ gốc 19 triệu USD mà Vinalines vay Vietcombank mua tàu Vinalines Sky đã được bán cho DATC
Khoản nợ gốc 19 triệu USD mà Vinalines vay Vietcombank mua tàu Vinalines Sky đã được bán cho DATC

Giá trị chiết khấu khoản nợ mà Vietcombank bán cho DATC không được tiết lộ song có thông tin cho biết nó chỉ dưới 50% giá trị nợ gốc, xóa nợ lãi. Đây là khoản nợ hình thành khi Vinalines vay Vietcombank một khoản tiền khoảng 35 triệu đô la Mỹ  thời điểm năm 2007 để có được 85% giá trị đầu tư mua tàu Vinalines Sky.

Khoản nợ này tính đến cuối năm 2013 còn xấp xỉ 19 triệu đô và buộc phải tái cơ cấu dưới hình thức khoanh và giãn nợ.

Vietcombank là một trong số 22 chủ nợ là các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước của Vinalines, những nơi mà Vinalines còn dư nợ 11.424 tỉ đồng tại thời điểm hết năm 2013. Trước Vietcombank, một số ngân hàng nước ngoài như  HSBC đã nhận thấy Vinalines không có khả năng trả nợ trong một vài năm trước mắt nên đã chấp thuận giảm trử 70% giá trị khoản nợ, xóa nợ lãi  để thu hồi 30% giá trị nợ gốc.

Vinalines đang trong thời gian tái cơ cấu nợ theo chỉ đạo của Chính phủ để giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ. Khác với trường hợp Vinashin được Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng ký kết các hợp đồng tái cơ cấu nợ theo hướng giảm trừ 70% nợ gốc, phát hành trái phiếu đảo nợ cho 30% giá trị nợ còn lại trong vòng 10 năm, Vinalines và các ngân hàng phải tự đàm phán tái cơ cấu nợ theo thị trường.

Tuy nhiên đây không là việc dễ cho Vinalines, bởi các tổ chức tín dụng đều không muốn bị mất ngay 2/3 hoặc nhiều hơn giá trị các khoản nợ nếu tái cơ cấu theo thỏa thuận mà DATC đứng ra làm trung gian. Tức là DATC sẽ đứng ra mua lại nợ thay Vinalines từ các chủ nợ, rồi sau đó Vinalines nhận lại nợ từ DATC cộng thêm việc phải trả một khoản phí trung gian cho tổ chức thu xếp này.

Do vậy, sau  quyết định của Vietcombank, Vinalines trực tiếp đàm phán hoặc thông qua DATC để tái cơ cấu nợ. Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC, công ty đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với một số tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là giá mua thì chưa chốt được vì các ngân hàng đều đưa ra mức giá cao.

Phía Vinalines cho biết,  mua bán nợ theo giá thị trường chỉ là một trong số các đề xuất để tái cơ cấu nợ. Tại các cuộc đàm phán đang tiến hành, Vinalines còn đề nghị các ngân hàng nếu không chấp thuận bán nợ ngay thì tiếp tục xóa lãi và tái cơ cấu nợ gốc như Chính phủ chỉ đạo. Mặt khác, Vinalines còn đề xuất các ngân hàng có thể chuyển các khoản nợ này thành vốn góp khi công ty mẹ Vinalines dự kiến IPO vào quí  1-2015. Cách khác nữa là Vinalines đưa ra danh mục các công ty con hiện đang làm ăn kinh doanh có hiệu quả để các ngân hàng có thể chuyển nợ thành vốn góp tại đó.

Nguồn tiền mà Vinalines dùng để mua lại các khoản nợ dự tính lấy từ nguồn bán tài sản hoạt động không hiệu quả để trả nợ, thoái vốn tại các doanh nghiệp, nguồn thu từ bán cổ phần lần đầu của các cảng. Tuy nhiên, việc bán tài sản cũng mất nhiều thời gian, quy trình, thủ tục xin phép phúc tạp, còn nguồn thu từ bán cổ phần các cảng không nhiều do bị ế. Vì vậy, khả năng trả nợ của Vinalines tiếp tục không mấy thuận lợi.