Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam:

Nỗ lực huy động tiền gửi tại điểm giao dịch

Theo daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nguồn lực hạn hẹp nhưng việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) - cơ quan thực thi nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn trên cũng luôn đa dạng hóa và mở rộng các sản phẩm, dịch vụ nhằm tăng cường huy động nguồn lực. Một trong những giải pháp ấy chính là việc huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vũ Thư hướng dẫn bà con gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã Tân Hòa. Nguồn: internet.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vũ Thư hướng dẫn bà con gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã Tân Hòa. Nguồn: internet.

Góp gió thành bão

Đúng vào ngày giao dịch gửi tiết kiệm tại chỗ đầu tiên của Điểm giao dịch xã Tân Hòa, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Tường An, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình Đặng Quý Toàn chia sẻ, gần 19 năm làm “cánh tay nối dài” đưa đồng vốn chính sách đến người dân, ông hiểu rất rõ vai trò hoạt động của NHCSXH trong việc cùng người dân xóa đói giảm nghèo.

Chính vì thế, khi NHCSXH triển khai nhận gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, ông đã tiên phong mang 100 triệu đồng đi gửi. Bởi theo ông Toàn, ngoài việc giao dịch thuận tiện thì khoản tiền gửi tiết kiệm của mình sẽ góp phần hỗ trợ bà con nghèo vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống. “Khoản gửi có thể là 5 trăm nghìn hay 5 triệu đồng hoặc cao là 100 triệu đồng nhưng nếu việc huy động này lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư thì chẳng khác nào những cơn gió nhỏ, gom lại nhiều lần sẽ thành bão” - ông Toàn khẳng định.

Với suy nghĩ đó, không chỉ tiên phong thực hiện gửi tiền tiết kiệm tại chỗ, ông Toàn còn vận động người thân, họ hàng cùng tham gia và nhận được sự hưởng ứng đông đảo.

Cũng trong phiên giao dịch của NHCSXH xã Tân Hòa hôm đó, chị Vũ Thị Thanh Tâm đã đến gửi 20 triệu đồng tiền tiết kiệm theo chương trình nhận tiền gửi tiết kiệm của cư dân tại điểm giao dịch xã. Đây là khoản tiền chị tích cóp từ sản xuất, chăn nuôi thời gian qua với thời hạn 1 năm. Từng là cán bộ hội đoàn thể, giờ lại công tác ở ủy ban xã, chị nhận thấy NHCSXH hoạt động tốt, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Hơn thế, từng là khách hàng của Chương trình vốn vay giải quyết việc làm 3 năm về trước nên chị thấu hiểu giá trị của khoản vay. “Giờ, đời sống khá hơn, tôi muốn sử dụng đồng tiền của mình một cách có ích. Gửi tại NHCSXH, tôi tin là mình lựa chọn đúng vì vừa mang lại lợi ích cho mình lại vừa gián tiếp hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn” - chị Tâm  nói.

Điều đáng ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tiên ở Điểm giao địch xã Tân Hòa là tinh thần vì cộng đồng của những “người trong cuộc”. Có lẽ, vì đã bước qua những ngày vất vả, khó khăn nên cả chị Tâm hay ông Toàn và nhiều bà con khác đều hiểu giá trị của việc mình làm. Cũng bởi vậy, không ai trong số họ quan tâm đến vấn đề lãi suất là bao nhiêu? Quyền lợi có gì ưu đãi hơn? Cái họ hướng đến và hy vọng chính là đồng vốn này sẽ giúp cho các hộ nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nhiều lợi thế

Bên cạnh việc nhận tiền gửi của hộ nghèo và đối tượng chính sách thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đã trở nên quen thuộc nhiều năm qua, từ tháng 10.2016, NHCSXH đưa vào hoạt động dịch vụ  nhận tiền gửi tiết kiệm của cá nhân và dân cư tại Điểm giao dịch xã.

Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Thái Bình Vũ Văn Thuân cho hay, ngay sau khi NHCSXH có văn bản hướng dẫn, chi nhánh tổ chức tập huấn tới 100% cán bộ, đề nghị Trung ương bổ sung Sổ tiết kiệm và tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung nhận tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại Điểm giao dịch xã.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Vũ Ngọc Huy, dịch vụ của NHCSXH có những lợi thế riêng như Điểm giao dịch tại xã chẳng hạn. Tại mỗi Điểm giao dịch sẽ có các phiên giao dịch - đây là điều kiện thuận tiện để NHCSXH niêm yết thông tin và tuyên truyền trực tiếp tới người dân. Ở một số địa bàn, việc tuyên truyền còn được thực hiện qua hệ thống loa phát thanh.

Hơn nữa, với khoản tiền gửi 500.000 đồng một lần, vừa sức với khả năng tiết kiệm của nông dân nhưng lại là khoản tiền nhỏ mà các NHTM khác không mấy mặn mà. Bên cạnh đó, lợi thế từ hệ thống nhận ủy thác là các Hội, đoàn thể đã như những ngọn lửa âm ỉ cháy và mang theo thông điệp vì cộng đồng lan dần đến từng ngõ ngách trong địa bàn dân cư.

Nhờ đó, đến cuối năm 2016, số tiền tiết kiệm của cư dân qua Điểm giao dịch xã đã đạt hơn 4,28 tỷ đồng, trong đó có những huyện đạt cao như Vũ Thư (trên 1 tỷ đồng), Đông Hưng (trên 790 triệu đồng), Tiền Hải (hơn 770 triệu đồng)... “Dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã không chỉ bổ sung nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn mà còn huy động sự đóng góp của cộng đồng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh. Do đó, thời gian tới, chi nhánh sẽ tăng cường tuyên truyền để mọi người dân cùng tích cực hưởng ứng” - Phó Giám đốc Vũ Văn Thuân cho biết.