Nỗ lực khơi thông vốn cho DNVVN

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Hiện, các ngân hàng đang nỗ lực kích cầu thị trường thông qua các chương trình ưu đãi lãi suất hướng tới doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm nhiều nguồn vốn giá rẻ trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đang hết sức khó khăn như hiện nay.

MB đã chính thức đưa lãi suất cho vay thấp nhất xuống còn 9,99%/năm đối với DNNVV
MB đã chính thức đưa lãi suất cho vay thấp nhất xuống còn 9,99%/năm đối với DNNVV

Tiếp sức cho DN

Là ngân hàng đầu tiên tung chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngay sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tạo được sự chú ý của dư luận khi công bố gói tín dụng trị giá 1.000 tỉ đồng. Theo đó, MB đã chính thức đưa lãi suất cho vay thấp nhất xuống còn 9,99%/năm – khá thấp so với lãi suất cho vay phổ biến ở 13 – 14% như hiện nay, và chỉ cao hơn lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa đến 2%. Vì thế, hoàn toàn dễ hiểu khi gói tín dụng này của MB nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các DNNVV. Điều đáng nói là, liền trước đó, MB cũng vừa kết thúc vượt chỉ tiêu gói tín dụng 2.000 tỉ đồng dành cho DNNVV.

Không chỉ riêng MB, nhiều tên tuổi khác trong làng tài chính – ngân hàng như Viettinbank, Vietcombank, Oceanbank… cũng triển khai các chương trình ưu đãi tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2013. Lãi suất cho vay theo đó đã được kéo xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây khi lần đầu về dưới mốc 10% - vượt qua kỳ vọng nhiều DN và chuyên gia đặt ra từ cuối năm 2011, đầu năm 2012 vừa qua.

Mặc dù gói lãi suất ưu đãi của ngân hàng vẫn mang tính thời điểm nhưng không thể phủ nhận hiệu ứng tích cực từ các chương trình này mang lại cho thị trường tài chính – ngân hàng trong những tháng đầu năm 2013. Trong bối cảnh nền kinh tế còn hết sức khó khăn, nhu cầu thị trường vẫn ở mức thấp, hàng tồn kho tăng cao… các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng có thể xem là một trong những giải pháp tạm thời trợ lực cho DN.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi mặt bằng lãi suất cho vay có thể hạ xuống mức thấp hơn thì các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng không chỉ hỗ trợ DN chi phí, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh dài hạn, mà còn giúp chính ngân hàng tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về đầu ra như hiện nay.

Xử lý những điểm “nghẽn”

Dù tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho DNNVV, nhưng đại diện nhiều nhà băng cũng phải thừa nhận nút thắt nợ xấu là chuyện đau đầu nhất buộc các ngân hàng phải cẩn trọng trong việc sàng lọc DN cho vay. Bởi trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như hiện nay, việc ngân hàng tìm kiếm khách hàng tốt không chỉ nhằm đảm bảo sự an toàn cho chính họ mà còn là sự phát triển bền vững của cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung. Hướng tới các phân khúc thị trường khác nhau, nhưng các gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng có điểm chung là đều tập trung tìm kiếm các DN có xếp hạng tín dụng loại A, không có nợ xấu tại thời điểm giải ngân.

Bên cạnh đó, để tìm kiếm các giải pháp tài chính an toàn cho cả ngân hàng lẫn DN, MB cũng triển khai đồng bộ nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng khác nhau, từ miễn giảm phí, hạ lãi suất xuống thấp hơn mức hiện hành cho các nhóm khách hàng cụ thể, đưa các sản phẩm/dịch vụ tích hợp nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho DN, hay tăng cường tư vấn tài chính cho các dự án kinh doanh… Nút thắt nợ xấu cũng được các NHTM tích cực xử lý qua việc tăng trích lập dự phòng rủi ro, tuân thủ nghiêm phân loại nợ…

Có thể nói việc hạ lãi suất hỗ trợ mang tính liên tục sẽ luôn được các DN mong đợi. Nói như TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: năm 2013 là một cơ hội rất lớn cho các DN có thể hoạch định chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất kinh doanh trên nền tảng dòng tiền tích cực, mang nó đến đàm phán với các ngân hàng. Phương châm ngắn gọn của chiến lược DN năm 2013, theo tôi là hoạch định lại nền tảng dòng tiền và sản xuất, đàm phán với các ngân hàng trong trường hợp muốn vay thêm hoặc phát mãi tài sản để xử lý nợ.

Hi vọng, với những nỗ lực của cả hai phía, dòng vốn năm 2013 này sẽ được lưu thông suôn sẻ, tạo ra những tín hiệu khởi sắc cho sự phát triển của DN nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung.