Nợ nhóm 5 ngày càng xấu

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Tuy đã bán phần nào nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua – bán nợ (VAMC), nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, sức khỏe của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều, đã đẩy các khoản nợ ngân hàng vào vòng nợ xấu và nhanh chóng chuyển sang nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn và phải trích lập 100% dự phòng).

Nợ nhóm 5 ngày càng xấu
Nợ nhóm 5 tăng lên. Nguồn: internet

Nợ nhóm 5 tăng lên

Tại Vietcombank (VCB) có gần 3.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn trong năm 2013, tăng hơn 2 lần so với năm 2012. Trong khi nợ nhóm 3 của VCB giảm nhẹ, thì nợ nhóm 4 và nhóm 5 lại tăng mạnh, đặc biệt nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến 104,5%, từ 1.456 tỷ đồng trong năm 2012 lên 2.978 tỷ đồng trong năm 2013.

Tổng cộng VCB có 7.206 tỷ đồng nợ xấu, tăng 24% so với năm 2012 và chiếm 2,62% trên tổng dư nợ. Năm 2013, dự phòng rủi ro của VCB là 3.544 tỷ đồng, tăng 7,2%, vì thế lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 20 tỷ đồng so với 2012, xuống 5.744 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý IV/2013 và lũy kế cả năm 2013 vừa được một loạt ngân hàng công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm, song nợ nhóm 5 ngày một xấu đi khiến lợi nhuận sau trích lập dự phòng của các ngân hàng giảm mạnh.

Sở dĩ nợ xấu ngân hàng tăng nhanh thời gian qua do hậu quả của tăng trưởng tín dụng nóng trong thời gian trước để lại. Đồng thời, bất động sản đóng băng và kéo dài khiến giá trị tài sản thế chấp của người vay sụt giảm mạnh. Phía ngân hàng không thể đơn phương phát mãi tài sản khiến khoản nợ vay ngày càng xấu thêm. Để giải quyết được nợ xấu và khơi dòng chảy tín dụng, ngoài các biện pháp về xử lý nợ như VAMC đang tích cực đẩy mạnh hiện nay, cần có thêm giải pháp để kích cầu thị trường, sức mua.

TS. Cao Sỹ Kiêm

Chẳng hạn tại BIDV, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro năm 2013 đạt 11.846 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2012, chỉ riêng quý IV/2013 lợi nhuận trước dự phòng của BIDV tăng 10,3%, đạt 3.764 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do khoản dự phòng của BIDV tăng mạnh trong quý cuối năm lên 2.514 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với 1.028 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước và cả năm phải trích lập 6.536 tỷ đồng. Do đó, dù kết quả kinh doanh của BIDV năm qua khá tốt, nhưng lợi nhuận trước thuế quý cuối cùng của năm 2013 vẫn giảm 2,7% và sau thuế giảm gần 1%.

Mặc dù tín dụng tăng trưởng cả năm 2013 của VIB không đạt yêu cầu đề ra, nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,75% lên 2,82% (1.000 tỷ đồng nợ xấu), trong đó có gần 300 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn.

Vì thế, đòi hỏi VIB phải trích dự phòng rủi ro đến 104 tỷ đồng chỉ trong quý IV/2013 và 879 tỷ đồng cả năm qua, dẫn đến lợi nhuận trong quý IV/2013 của VIB giảm đến 85%. Tổng lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 57 tỷ đồng trong quý IV và lũy kế cả năm chỉ đạt 83 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý IV chỉ còn 26 tỷ đồng và cả năm 52 tỷ đồng, giảm 90% so chỉ tiêu ban đầu.

Là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhì thị trường, Navibank đã gây không ít ngạc nhiên khi đưa nợ xấu từ mức gần 9% trong quý III/2013 xuống còn hơn 6% tại thời điểm cuối năm 2013. Tuy nhiên, so với cuối năm 2012, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng tới 19,5% (lên 438,3 tỷ đồng).

Kiểm soát nợ xấu rất khó khăn

Nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5 (phải trích lập 100%) tăng đòi hỏi trích lập dự phòng cao, “ăn” hết lợi nhuận. Điều này được các ngân hàng chú trọng nên đã ra sức kiểm soát chặt chất lượng khoản vay. Thế nhưng, theo lãnh đạo các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, nợ đối với doanh nghiệp không dễ kiểm soát. Vì thế, các nhóm nợ cũng có sự chuyển biến rất nhanh từ nhóm 2-3 lên nhóm 4-5 chỉ trong gang tấc.

Một lãnh đạo cấp cao của VCB chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, cái khó trong quá trình xử lý nợ hiện nay vẫn là khâu phát mãi tài sản đảm bảo, với thủ tục khá phức tạp và tốn kém nhiều thời gian, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Chính điều này sẽ làm tình hình của các khoản nợ trở nên xấu hơn, nợ xấu của khoản vay cũ vẫn không ngừng phát sinh, dù ngân hàng đã kiểm soát chất lượng khi cho vay. Vì thế, diễn biến nợ xấu vẫn còn phức tạp và nợ nhóm 5 khó giảm. Trong khi đó, VCB là một trong những ngân hàng có số lượng doanh nghiệp quan hệ tín dụng lớn và chủ yếu tập trung vào xuất, nhập khẩu nên nợ nhóm 5 năm qua tăng cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, cho dù khi triển khai cho vay ngân hàng đã thẩm định khá kỹ càng, nhưng do diễn biến của thị trường và tình trạng tồn kho, sức mua chưa mấy cải thiện nên việc không trả được khoản nợ vay rất dễ xảy ra.

Thế nhưng, điều đáng lo ngại là khi thị trường khó khăn, tín dụng không có đầu ra, cạnh tranh giữa các ngân hàng để giành thị phần tín dụng cũng sẽ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp. Chẳng hạn vụ việc của Công ty Kinh doanh cà phê Trường Ngân mất khả năng trả nợ cho 7 ngân hàng với tổng cộng 600 tỷ đồng xảy ra vào cuối năm 2013. Chính khoản nợ của Trường Ngân cũng đã khiến nợ nhóm 5 của một số ngân hàng gia tăng và đòi hỏi trích dự phòng cao cho khoản nợ này.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận rất khó nhận diện rủi ro từ khách hàng cũng như kiểm soát được rủi ro tín dụng trong bối cảnh thị trường hiện nay. Nếu trước đây doanh nghiệp xuất hiện nợ xấu chủ yếu do kinh doanh kém hiệu quả, nền kinh tế không bị ảnh hưởng, nhưng hiện nay khó khăn của cả nền kinh tế lây lan quá lớn nên vòng chu chuyển tiền tệ trong thị trường chậm lại.

Do đó, ngân hàng cũng không thể kỳ vọng giải quyết dứt khoát gốc và lãi của từng con nợ trong một thời điểm nhất định mà phải có sự kéo dài. Chính vì vậy, dự kiến vào đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức áp dụng các chuẩn mực mới của Thông tư 02.