Nợ xấu: Những con số màu hồng

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm được tỉ lệ nợ xấu. VietinBank, chẳng hạn, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2013 đã đưa tỉ lệ nợ xấu từ mức 2,6% xuống chỉ còn 0,82%. Rõ ràng, đây là tin đáng mừng trong bối cảnh nợ xấu đang là rào cản đối với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng liệu nợ xấu thực sự có giảm?

Nợ xấu: Những con số màu hồng
Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2013, VietinBank đã đưa tỉ lệ nợ xấu từ mức 2,6% xuống chỉ còn 0,82%. Nguồn: internet

Ở trường hợp của VietinBank, sở dĩ ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất hệ thống này giảm được tỉ lệ nợ xấu là nhờ trong quý cuối năm ngoái đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ 3,95% lên tới 14,7%. Trường hợp tương tự là Vietcombank, tính đến hết quý III năm ngoái, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 3%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,95% so với cuối năm 2012. Đến cuối năm 2013, tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm xuống mức 2,62%, nhưng đồng thời, tín dụng cũng tăng vọt lên đến 12%.

Điều tương tự cũng diễn ra ở khối ngân hàng thương mại tư nhân. Ngân hàng Kiên Long cho biết tỉ lệ nợ xấu năm 2013 ở dưới mức 2,3%, tức đã giảm 6 điểm phần trăm so với cuối năm 2012. Kiên Long trong năm 2013 cũng được xếp vào nhóm có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, khi chỉ trong 3 quý đầu năm đã tăng tới hơn 13,4% lượng dư nợ.

Theo Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng quy mô lớn có trụ sở ở Hà Nội (không muốn nêu tên), tỉ lệ nợ xấu có thể dễ dàng giảm xuống bằng cách đẩy mạnh tín dụng và đó được xem là một cách để làm đẹp báo cáo. Một khi tổng dư nợ tăng lên trong khi số dư nợ xấu (gồm nợ các loại 3, 4, 5) lại đứng yên thì tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm.

Trường hợp các ngân hàng ở trên là điển hình, vì mới có những ngân hàng này tạm thời công bố kết quả kinh doanh năm 2013. Tuy vậy, số liệu hợp nhất tính đến quý III năm ngoái cho thấy hầu hết các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt đều có tỉ lệ nợ xấu giảm. Ngân hàng SHB, chẳng hạn, có tỉ lệ nợ xấu giảm từ mức 8,8% cuối năm 2012 xuống còn 7,7%, trong khi tăng trưởng tín dụng giai đoạn này lên tới 15%.

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp lại có tỉ lệ nợ xấu tăng cao. Tại Techcombank, tỉ lệ nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2013 đã tăng từ 2,7% lên 5,9% trong khi tín dụng chỉ tăng 2,48%. Một trường hợp khác là Ngân hàng Nam Việt. Có lẽ ngân hàng này đang giữ kỷ lục tỉ lệ nợ xấu cao nhất, tới 8,8% tính đến hết quý III năm ngoái, trong khi tín dụng giai đoạn này lại tăng trưởng âm 8,53%.

Nếu tính toàn hệ thống, tỉ lệ nợ xấu vẫn đang trong xu hướng tăng. Tính đến hết quý III năm ngoái, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở mức 4,62% trong khi tín dụng toàn hệ thống tăng 6,87%. Nhưng đến cuối năm, tín dụng lại tăng thêm tới gần 5 điểm phần trăm, theo Ngân hàng Nhà nước. Điều này có nghĩa, tỉ lệ nợ xấu toàn ngành trong cả năm 2013 có thể cũng sẽ giảm mạnh theo.

Góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ nợ xấu là công ty mua bán nợ xấu VAMC. Trong báo cáo tổng kết 11 tháng hoạt động năm 2013, Sacombank có kế hoạch đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới mức 1,5% nhờ bán nợ cho VAMC. Ngân hàng này đã bán được 800 tỉ đồng nợ và đang chờ bán thêm 200 tỉ đồng nữa. Tính đến cuối quý III/2013, tỉ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm còn 2,3% từ mức 2% của cuối năm 2012.

Chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái, nhưng đến hết năm, VAMC đã mua được 36.000 tỉ đồng nợ xấu của các ngân hàng, cao hơn so với kế hoạch đặt ra.

  Tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng có xu hướng giảm

Nợ xấu: Những con số màu hồng  - Ảnh 1

Ngoài VAMC, một công cụ khác giúp các ngân hàng làm đẹp báo cáo là Quyết định 780 khi cho phép ngân hàng cơ cấu nợ bằng cách tự phân loại nợ. Nghĩa là nợ nhóm 3 có thể được xem xét để ở nhóm 2. Bằng cách này, ngân hàng có thể giảm được tỉ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro.

Hiện tại, Thông tư 02/2013 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro (theo dự kiến sẽ có hiệu lực trong tháng 6 này) đang khiến các ngân hàng lo ngại sẽ làm nợ xấu tăng lên. Tuy nhiên, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách thay đổi vài chỉ tiêu cụ thể trong Thông tư. Và điều này có thể giúp các ngân hàng tô hồng thêm cho báo cáo. Trên thực tế, trừ một vài ngân hàng yếu kém thực sự, tỉ lệ nợ xấu ở nhiều ngân hàng chỉ dưới 3%, một tỉ lệ chấp nhận được.

Nhìn vào những con số nợ xấu giảm (chính xác hơn, không phải nợ xấu giảm mà là tỉ lệ nợ xấu giảm), thị trường có thể vui mừng. Nhưng không phải vì ngân hàng xử lý nợ tốt, mà là do tín dụng tăng trưởng nhiều hơn. Vấn đề là thị trường không thể kiểm chứng được chất lượng của những khoản vay tăng thêm này của ngân hàng. Liệu đó là những khoản vay mới hay những khoản vay dành cho các đối tượng có lịch sử tín dụng tốt hay chỉ là để đảo nợ.