Nỗi lo vốn ảo sau trào lưu sáp nhập

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Nỗi lo lớn nhất mà các chuyên gia nhìn nhận sau những thương vụ hợp nhất, sáp nhập là vốn ảo. Nó có thể tạo ra hình hài một ngân hàng to lớn nhưng bên trong không còn tiền để thực hiện các nghiệp vụ cho vay.

Nỗi lo vốn ảo sau trào lưu sáp nhập
Muốn chấm dứt tình trạng vốn ảo thì các ngân hàng phải minh bạch thông tin. Nguồn: internet

TS. Nguyễn Chí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng, cho rằng thường những ngân hàng chấp nhận sáp nhập với ngân hàng khác để tồn tại là những ngân hàng đã bị phá sản về mặt kỹ thuật, nợ xấu ăn mòn vốn chủ sở hữu.

Thế nhưng, khi thực hiện hợp nhất, các ngân hàng chỉ thường báo cáo về vốn điều lệ, tổng tài sản theo cách tính số học đơn thuần. Điều đó cho thấy nguy cơ về vốn ảo sau trào lưu sáp nhập hiện nay của hệ thống ngân hàng, nếu các ngân hàng chỉ tính với nhau trên sổ sách.

Âm vốn, sau sáp nhập vẫn tăng

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc SeABank, cho biết hiện ngân hàng đang có vài đối tác để đàm phán hợp nhất. Và, quá trình này có lẽ sẽ mất một thời gian dài, bởi có nhiều giai đoạn.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4, thị trường liên lục đón nhận thông tin ngân hàng muốn hợp nhất, sáp nhập như Vietcombank, MB, Sacombank, PGBank, MaritimeBank… Mục tiêu của những ngân hàng này là lớn nhanh hơn về quy mô, vốn điều lệ, tổng tài sản, cơ sở khách hàng…

Nhìn cả quá trình hợp nhất, sáp nhập của hệ thống ngân hàng trong 2 năm qua, một điều dễ thấy là các ngân hàng yếu kém hợp nhất với nhau để trở thành ngân hàng lớn. Ví như ngân hàng Sài Gòn (SCB), được hình thành từ 3 ngân hàng nhỏ là SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất, có vốn điều lệ của 3 ngân hàng cộng lại là 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản là 150.000 tỷ đồng và có hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, 3 ngân hàng này đã bị mất thanh khoản và nợ xấu cao ngất ngưởng, NHNN phải trực tiếp tham gia giám sát và dưới sự bảo trợ vốn của BIDV. Nếu tính một cách thực tế, liệu vốn điều lệ, tổng tài sản của ngân hàng sau hợp nhất này là bao nhiêu? Câu hỏi này chỉ có nội bộ ngân hàng này hiểu.

Tương tự là SHB, nhận Habubank vào hệ thống với tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng) nhưng SHB vẫn có tổng tài sản gần 120.000 tỷ đồng (tương đương với quy mô của các nhà băng trong khối G14), tổng vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng.
Tình trạng này có lẽ cũng sẽ xảy ra tương tự với những ngân hàng đang và sẽ sáp nhập với nhau trong tương lai. Điều đó cho thấy, con số các ngân hàng công bố hiện tại chỉ là cách tính trên sổ sách, mà cách tính này sẽ để lại hệ lụy về những ngân hàng cồng kềnh về mặt thể xác nhưng teo tóp về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu…

Không những thế, cách tính này còn không xử lý được tình trạng vốn ảo trước đó do áp lực tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Dưới áp lực tăng vốn này, nhiều chuyên gia tài chính khẳng định là có tình trạng vốn ảo trong hệ thống ngân hàng, vì thời gian tăng vốn quá ngắn, trong khi có quá nhiều ngân hàng buộc phải tăng vốn theo quy định.

Thực tế đó cho thấy nguy cơ về một hệ thống ngân hàng sau tái cấu trúc vẫn chưa "khỏe mạnh" theo tiêu chí đặt ra của NHNN, ít nhất là về yêu cầu vốn điều lệ phải là "tiền tươi, thóc thật".

Cổ đông yêu cầu con số thực

Theo ông Hiếu, thực tế trong hệ thống ngân hàng có 2 cách hạch toán, đó là trên sổ sách và trên thực tế. Cách tính trên sổ sách chính là cách cộng đơn thuần theo số học hiện nay mà các ngân hàng công bố. Còn cách tính thực tế là cách tính đã trừ đi nợ xấu, tài sản độc hại, tài sản ảo…

Ví như 2 ngân hàng sáp nhập có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng này sau khi trừ đi các tài sản độc hại, tài sản ảo, nợ xấu… thì vốn chủ sở hữu là âm 1.000 tỷ đồng, còn ngân hàng kia thì có vốn chủ sở hữu là 6.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi hợp nhất, vốn điều lệ của ngân hàng này là 5.000 tỷ đồng.

"Thực ra, các ngân hàng khi hợp nhất, sáp nhập đều tính theo cách thực tế, tuy nhiên, họ lại chỉ công bố con số theo cách tính trên sổ sách. Đây là hành động mà trong nhiều trường hợp sẽ bị đánh giá là không trung thực, xét về mặt nào đó gọi là lừa đảo. Nếu muốn chấm dứt tình trạng vốn ảo thì các ngân hàng phải minh bạch thông tin và báo cáo dưới 2 hình thức sổ sách và thực tế", ông Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay NHNN chưa có quy định nào yêu cầu các ngân hàng phải làm việc này nên cổ đông phải chủ động. "Muốn có con số thực tế thì cổ đông phải yêu cầu ngân hàng đưa công ty tư vấn tài chính độc lập vào đánh giá cả 2 ngân hàng và thông tin cho cổ đông biết", ông Hiếu nói.

Nhưng ông Hiếu cho biết hiện các cổ đông của Việt Nam không đòi hỏi quyền lợi của mình. "Theo luật định, mỗi ngân hàng phải có thành viên HĐQT độc lập để đại diện cho tiếng nói của cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, những cổ đông này lại không làm để đòi hỏi quyền lợi của mình. Vì họ nghĩ rằng có nói cũng chẳng thay đổi được gì, còn cổ đông lớn thì muốn che giấu", ông Hiếu bình luận.