Nỗi lo vốn mỏng

Theo thoibaonganhang.vn

Để không “ám ảnh” về CAR khi áp dụng Basel II, ngân hàng phải có cái nhìn thấu đáo, giải pháp phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tăng vốn thời Basel II

Kể từ năm 2015, chuyện tăng vốn khi có Basel II chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt so với những năm trước, trực tiếp là đối với 10 ngân hàng thương mại (NHTM) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thí điểm triển khai Basel II.

Hiệp ước về vốn Basel ra đời năm 1988 (Basel I) và được nâng cấp năm 2003 (Basel II) là khung đo lường về vốn do Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng đề xuất. Mục tiêu mà Basel đề ra là đảm bảo các ngân hàng có đủ vốn dự phòng để xử lý mọi rủi ro mà ngân hàng có thể gặp phải trong quá trình hoạt động. Cả Basel I và Basel II đều quan tâm tới tỷ lệ an toàn vốn, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra điểm khác biệt là: Với Basel I, rủi ro tín dụng đặt lên hàng đầu.

Các ngân hàng cần phải có đủ vốn để đảm bảo hoạt động tín dụng của mình được an toàn. Nhưng ở Basel II, ngoài rủi ro tín dụng còn có những rủi ro về thị trường, rủi ro hoạt động... đòi hỏi ngân hàng phải chuẩn bị dự phòng đầy đủ. Khi trích lập dự phòng rủi ro, sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu của ngân hàng xuống. Nên để đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn của Basel II, việc tăng vốn ở các nhà băng là tất yếu.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Cách tăng vốn đáp ứng theo chuẩn Basel II khác hoàn toàn so với trước đây, nằm ở cách thức tính các chỉ tiêu trong Basel II. Ví dụ, hệ số K (hay CAR) trong Basel II khác so với cách tính trong Thông tư 36 của NHNN. Tử số trong cách tính hệ số CAR hiện nay trong Thông tư 36 giống như cách tính trong Basel II, được tính là vốn cấp 1 + vốn cấp 2.

Điểm khác là đối với Thông tư 36, mẫu số tính CAR là tổng tài sản có nhạy cảm theo biến động của lãi suất. Còn trong Basel II, mẫu số là tổng tài sản có nhạy cảm theo ba loại rủi ro gồm rủi ro thị trường, rủi ro chính sách và các loại rủi ro khác. Trong đó, riêng rủi ro về thị trường đã gồm rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, rủi ro giá cả tài sản. Như vậy, nếu xét theo Thông tư 36, thì mẫu số chỉ có rủi ro về lãi suất thôi, không phức tạp như tính theo chuẩn Basel II.

“Nói thế để thấy, trước mắt đối với 10 NHTM thí điểm triển khai áp dụng Basel II, hệ số CAR của NH có thể đang được tính là hơn 9%, thậm chí có ngân hàng là 12% nhưng nếu xét theo chuẩn Basel II, thì con số sẽ không lý tưởng như vậy. Đó là chưa tính tới các hệ số an toàn thanh khoản, hệ số các chuẩn mực về quản trị rủi ro tín dụng...” - ông Tín cho biết.

Thực tế, cuối năm 2015, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Vietcombank là 11%. Nhưng theo kế hoạch đề ra tới năm 2020, ngân hàng này chỉ đưa ra mục tiêu mức CAR là 9% áp dụng theo Basel II. Còn như VietinBank, CAR của ngân hàng này cuối năm 2015 ở mức 10,3%.

Nếu Basel II được áp dụng, CAR của ngân hàng có thể giảm 1%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến VietinBank hy vọng với thương vụ sáp nhập PGBank, hệ số CAR sẽ được cải thiện, khi tổng tài sản tăng thêm 25 ngàn tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3 ngàn tỷ đồng.

Nhìn từ thực tế để hành động

Các ngân hàng trong khu vực hầu hết đều đã áp dụng Basel II hoặc Basel III. Trong bối cảnh hệ thống tài chính ngân hàng ngày càng hội nhập sâu rộng, điều này cũng tạo thêm áp lực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, khi chúng ta hiện nay mới đang “sửa soạn” để áp dụng Basel II.

Với nhu cầu tăng vốn của nhà băng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II, các chuyên gia nhận định việc này không đơn giản. Bởi thị trường vốn của Việt Nam hiện không mặn mà lắm với cổ phiếu ngân hàng. Thành ra ngân hàng tăng vốn điều lệ trong lúc này, nhất là với một số ngân hàng bắt đầu thực hiện Basel II thì khó khăn sẽ là “một cổ hai tròng”.

Quan điểm của nhiều chuyên gia khi bàn về giải pháp giúp ngân hàng tăng vốn vẫn nằm ở việc nới room để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, để các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đổ vốn vào ngân hàng Việt Nam, từ mức room 30% như hiện nay, có thể xem xét nới theo lộ trình lên 49%, 51%, rồi tiến tới mở room 100% vào năm 2020 theo cam kết gia nhập WTO. Cùng chung quan điểm, CEO của VietinBank, Vietcombank cho rằng, việc nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp ngân hàng thu hút thêm nguồn lực về tài chính.

Khó khăn khi triển khai Basel II của các ngân hàng Việt không chỉ khoanh vùng ở hệ số CAR. Hệ số CAR chỉ là một trong các yếu tố để tính hệ số an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các chỉ số khác về an toàn thanh khoản, quản trị rủi ro thanh khoản, quản trị rủi ro tín dụng, hoạt động, chính sách... đều có tác động tới sự phát triển và bền vững của mỗi nhà băng.

Nên khó khăn khi triển khai Basel II của các ngân hàng Việt không chỉ khoanh vùng ở hệ số CAR. Ông Mac Kalyan, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn rủi ro toàn cầu BlackIce (Canada) cho rằng, mỗi tổ chức, ở đây là mỗi ngân hàng phải có một cái nhìn tổng thể, toàn diện để đề ra những định hướng cụ thể về thực trạng hiện nay của đơn vị mình.

Từ đó mới xét được thực tế với yêu cầu khoảng cách của Basel II; phân loại rủi ro ở mức độ nào, để thiết kế những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Lãnh đạo một trong 10 NHTM thí điểm triển khai Basel II bày tỏ: Basel II có tiêu chuẩn chung, nhưng sẽ được mỗi định chế tài chính thực hiện bằng những giải pháp không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào cách thức quản lý trong ngân hàng, hài hòa với thực tiễn môi trường kinh doanh ở mỗi quốc gia.

Tăng vốn để đáp ứng với chuẩn mực Basel II là chuyện tất cả ngân hàng Việt phải thực hiện, vấn đề chỉ là sớm hay muộn hơn mà thôi. “Khi chuẩn mực, thước đo càng phức tạp, càng khó, thì tới lúc thực hiện được, ngân hàng sẽ càng khẳng định được tiềm lực và uy tín của mình. Đó cũng là động lực để phát triển” – một lãnh đạo ngân hàng phát biểu.