Nóng vì ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước

Theo Báo Đầu tư

Sáng 3/12/2012, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Bam (VBF 2012) được hâm nóng với yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nóng vì ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước

Liên quan đến vấn đề này, Ông Preben Hjortund, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), cho hay, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm 40% toàn bộ nền kinh tế. Điều này không có gì đáng quan ngại, nhưng họ được nhiều ưu đãi hơn, thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp và hoạt động không hiệu quả, thì họ sẽ trở thành đối tượng kìm hãm sự phát triển năng động của nền kinh tế.

“Chinh phủ cần tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian sớm nhất có thể, để tạo môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường”, ông Preben Hjortund nói.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc (Korcham) cho rằng, cần tái cơ cấu triệt để doanh nghiệp nhà nước là yếu tố quan trọng đầu tiên để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư.

Việt Nam đang gặp phải vấn đề lớn là nợ xấu. Tổng mức nợ xấu lên tới 280.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng giá trị GDP (tính đến tháng 6/2012). Đặc biệt nghiêm trọng là sự gia tăng nợ quá hạn của các doanh nghiệp nhà nước. Số doanh nghiệp này đang nợ khoảng 145.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 20-30% là nợ không có khả năng hoàn trả.

Việt Nam có sự lệ thuộc cao vào doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù năm 2011, khối doanh nghiệp này được đánh giá là có vai trò lớn trong việc giảm lạm phát xuống còn 8%. Tỷ lệ tăng dư nợ năm 2011 là 10,9% thấp hơn nhiều so với mức bình quân 35% trong các năm 2006- 2010. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính ở tiếp diễn ở châu Âu vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề, trong khi đây là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, từ đó càng làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu.

“Thực tế là số lượng doanh nghiệp nhà nước đang giảm nhưng quy mô lại tăng. Bởi lẽ, vốn và nguồn lực đang đang tập trung vào số những doanh nghiệp này. Số liệu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng khoảng 70% đất đai, thực hiện trên 70% vốn ODA và chiếm 60% tổng số dư nợ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực này lại thấp hơn so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, cho dù Chính phủ luôn khuyến khích cổ phần hóa”, ông Kim Jung In, Chủ tịch Korcham nói và cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh suy thoái kinh tế để Việt Nam có điều kiện thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới .