“Nút thắt” vẫn là đất đai

Theo daibieunhandan.vn

Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ngày 15/2, tại Hà Nội, doanh nghiệp hai nước đều khẳng định: Nếu những vướng mắc liên quan đến đất đai được tháo gỡ, sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tiềm năng hợp tác lớn

Tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN -  PTNT) Nguyễn Anh Minh cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng trưởng vượt bậc, từ 8,6 tỷ USD năm 2005 lên 32 tỷ USD năm 2016, đạt bình quân trên 20%/năm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có vị thế quan trọng trên thị trường thế giới như gạo, thủy sản, cà phê, mủ cao su khô, chè, điều, hồ tiêu, gỗ… Kết quả này là nhờ đổi mới cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, và có sự đóng góp rất lớn của khu vực tư nhân.

Ông Nguyễn Anh Minh cũng cho biết, để triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN - PTNT đặc biệt coi trọng giải pháp khuyến khích thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài. Bộ NN - PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định về khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Dù Nghị định này chưa ra đời nhưng Phó trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam Hiroshi Chishima cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước rất lớn. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Vì vậy, số đơn vị tham gia Diễn đàn kết nối lần này tăng gấp đôi so với lần trước. “Trong thời gian tới, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác về nông nghiệp ở Việt Nam theo các hình thức chuyển giao công nghệ, hoặc cung cấp về máy móc, thiết bị, hạt giống, nhằm cải thiện phương thức canh tác và nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Hiroshi Chishima cho biết.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy cơ hội hợp tác, nhiều đại diện doanh nghiệp trong nước tham gia Diễn đàn cũng khẳng định đã nhìn thấy cơ hội này. Bởi đa số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia chương trình lần này có quy mô nhỏ và vừa, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp các sản phẩm như tỏi đen, giống rau xanh, rau quả sấy khô… phù hợp với sự quan tâm của doanh nghiệp trong nước.

Quá trình đầu tư không đơn giản

Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả là phải biến tiềm năng hợp tác, sự quan tâm này thành hành động và kết quả cụ thể. Theo ông Hiroshi Chishima, số doanh nghiệp, dự án của Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp  Việt Nam vẫn chưa nhiều. Quá trình đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam không đơn giản.

Doanh nghiệp gặp một số khó khăn về giải phóng mặt bằng, cấp đất, thủ tục hành chính… Vì thế, các vướng mắc về thủ tục cần được giải quyết nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung, cũng như doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp miền Trung Nguyễn Danh Nhân cho rằng, dù hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp không cao bằng đầu tư vào một số lĩnh vực khác, song lại “bền”, có tiềm năng phát triển. Những rủi ro từ thiên tai, biến đổi khí hậu… chỉ gây lo ngại với người không có chuyên môn, còn với người có kiến thức thì hoàn toàn có thể lường đoán, chủ động khắc phục.

Theo ông Nhân, đất đai mới là yếu tố then chốt trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không có diện tích đủ lớn, doanh nghiệp sẽ không thể mở rộng quy mô, tìm kiếm các đối tác lớn hơn. Do vậy, ông kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, sớm trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tạo điều kiện cho doanh nghiệp sở hữu diện tích đất canh tác lớn, mở rộng quy mô sản xuất.

 Có thể thấy, cơ quan quản lý đã quan tâm xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp nói chung, cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp. Dù vậy, điều doanh nghiệp mong chờ nhất vẫn là “tháo” đúng nút thắt quan trọng nhất là sở hữu đất đai. Điều này có nghĩa, một Nghị định về khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp, nông thôn chưa đủ, có lẽ phải có thay đổi từ luật.