Phải có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh ở Việt Nam

PV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại cuộc tọa đàm đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân với chủ đề “Chính phủ và các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng đồng hành phát triển kinh tế” được tổ chức sáng 30/9 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cuộc tọa đàm được tổ chức theo đề xuất của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặc biệt là sự hiện diện của 14 Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế tư nhân, đại diện cho lĩnh vực kinh tế tư nhân. Có thể nói, cuộc tọa đàm này được xem là chưa có tiền lệ bởi trước đây, thường chỉ có các cuộc tọa đàm với doanh nghiệp nói chung hoặc doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chiếm một vị thế gần như tuyệt đối về số lượng. Trên thực tế hoạt động ở Việt Nam hiện nay, trong gần nửa triệu doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 0,5%, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2,8% còn doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 96,7%. Trong tổng số 496.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà tư nhân chiếm phần lớn thì doanh nghiệp vừa, lớn chỉ dưới 10.000, còn lại 486.000 là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Theo thống kê, trong những năm qua, kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố, với tiềm năng, thế mạnh riêng có, chủ yếu từ kinh tế tư nhân. Từ năm 2010 trở lại đây, kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế Nhà nước là khoảng 28,9%. Các tập đoàn, tổng công ty tư nhân trong buổi gặp với Thủ tướng chính là những đơn vị thành công, bước đầu đóng góp vào sự phát triển của đất nước. 
Thủ tướng chia sẻ rằng chưa thể gặp hết các doanh nghiệp tư nhân vì lực lượng này rất đông, rất rộng trong khi thời gian eo hẹp và 14 doanh nghiệp dự tọa đàm là đại diện cho các tập đoàn, tổng công ty lớn của kinh tế tư nhân nước ta. Điều khiến Thủ tướng băn khoăn là "làm sao để không phải chỉ có mười mấy người ngồi đây, không phải chỉ có dưới 10.000 doanh nghiệp mà phải có nhiều tập đoàn tư nhân ở Việt Nam lớn mạnh”.

Thủ tướng nhấn mạnh mục đích tọa đàm là hỏi và đáp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tập đoàn tư nhân một cách chân thành, với tinh thần nói thẳng, nói thật, trách nhiệm. “Hôm nay chúng tôi nghe quý vị chính là để tiếp tục tháo gỡ, tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển đúng hướng, ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn mạnh cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Thủ tướng nêu rõ.

Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cho thấy sự quan tâm của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân. Cách đây gần 2 tháng, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017 với sự tham gia của khoảng 1.000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đã đặt mục tiêu phấn đấu là nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân từ 43%  lên 50–60% GDP. Thủ tướng cho rằng cần phải có quyết tâm chính trị để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Chính phủ hành động là tiêu chí cao nhất để phục vụ phát triển, trong đó đưa kinh tế tư nhân là mũi nhọn quan trọng nhất. Chính phủ thường xuyên làm việc với doanh nghiệp, để từ đó có điều chỉnh, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về cải thiện chính sách đối với khối kinh tế tư nhân.

"Chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam nằm nhiều ở khối kinh tế tư nhân. Những gì mà kinh tế tư nhân làm tốt thì Chính phủ phải tạo điều kiện cho thực hiện", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.