Pháp luật thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội ra sao?(*)

Theo Đức Hà/DNSGCT

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibilit: CSR) ngày càng trở thành một khái niệm quan trọng trong các cuộc tranh luận về vấn đề toàn cầu hóa, khả năng cạnh tranh và tính bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: inter
Ảnh minh họa. Nguồn: inter

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thường quan niệm CSR là các hoạt động từ thiện dành cho người nghèo khó. Thực tế, theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm trách nhiệm với: Thị trường và người tiêu dùng, bao gồm cả nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung ứng và hợp tác; Người lao động; Cộng đồng trong khu vực và trong xã hội trong nước và thế giới; Môi trường sống.

Còn nếu định nghĩa một cách ngắn gọn, CSR là sự cam kết của công ty trong ứng xử phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng, môi trường. Theo đó, trách nhiệm xã hội được coi là một phạm trù của đạo đức kinh doanh có liên quan đến mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể nói, mỗi doanh nghiệp khi ra đời đã tạo ra một trách nhiệm xã hội to lớn, đó là việc cùng chung tay đóng góp công sức và tài sản để tạo ra không chỉ việc làm cho chính họ, mà còn cho cả những người khác nữa. Không chỉ sống và làm việc vì cá nhân mình, gia đình mình mà các đơn vị này còn là người tham gia đóng góp làm ra của cải vật chất cho cộng đồng và xã hội.

Chẳng hạn như “Quỹ tỵ nạn của Google” (đứng đầu trong danh sách những công ty có danh tiếng nhất về trách nhiệm xã hội trên thế giới) trị giá 4 triệu USD, nhằm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hay Tập đoàn GE (General Electric) là doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc thay đổi sự biến đổi khí hậu toàn cầu bằng việc xây dựng một hệ thống giao thông mới tại Mỹ giúp giảm lượng CO2 và xăng dầu được sử dụng. Giải pháp giao thông này bao gồm loại xe chạy bằng năng lượng điện (electric vehicle), trạm nạp năng lượng và hệ thống sản xuất EV mạnh mẽ.

Một số công ty châu Âu đầu tư vào Việt Nam như Unilever, Siemens, Schneider Electric… cũng thường tự giác thực hiện các trách nhiệm ngoài những gì pháp luật quy định như tiết kiệm nguồn lực và giảm thiểu phát thải trong quá trình sản xuất..., họ còn tiến hành thiết kế lại sản phẩm để cắt giảm nguyên vật liệu đầu vào, tạo ra nhiều loại sản phẩm tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả của các hoạt động về môi trường mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trong khi trong nước, chúng ta không đếm hết được những công ty xả nước thải bẩn ra môi trường như Formosa, bao nhiêu công ty dược nhập lậu thuốc, bao nhiêu cơ sở kinh doanh đưa thịt bốc mùi ra thị trường…

 Theo TS. Lê Đăng Doanh thì sẽ rất khó khăn nếu chỉ trông cậy vào sự tự nguyện thực hiện SRC của doanh nghiệp, nếu thiếu khung pháp luật, thiếu chế tài và sự giám sát cần thiết của xã hội dân sự và công chúng.

Thực tế, sức mạnh của lợi nhuận có thể làm cho doanh nhân trở nên mù quáng, vô trách nhiệm bằng cách che giấu các hành vi phạm pháp của mình và sự tự nguyện của doanh nghiệp là rất mỏng manh.

Như vậy, có thể thấy vai trò then chốt của hệ thống luật pháp, các tiêu chuẩn về đạo đức được quy định thành tiêu chuẩn pháp luật để thực hiện trách nhiệm xã hội của cá nhân và doanh nghiệp nhằm chế ngự lòng tham và kiểm soát các hành vi làm giàu trái lương tâm, gây nguy hại cho cộng đồng.

(*) Tít bài viết do Tạp chí điện tử Tài chính đặt lại.