Phát huy vai trò của kiểm toán nội bộ trong quản trị rủi ro tại các doanh nghiệp

ThS. Nguyễn Thị Tuân, Ths. Đặng Thị Dịu

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội mới, song song với đó là những thách thức không nhỏ. Môi trường kinh doanh biến động, những yếu tố không chắc chắn là các mối đe dọa đến sự thành công, thậm chí sự sống còn của các doanh nghiệp Việt Nam. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần làm tốt công tác quản trị rủi ro thông qua việc sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp các công cụ kiểm soát và quản lý rủi ro. Việc tăng cường vai trò của kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp sẽ trợ giúp đắc lực cho công tác quản trị của rủi ro, đảm bảo thực hiện các mục tiêu hoạt động, biến thách thức thành cơ hội trong kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Phù hợp với xu thế đó, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần (Báo cáo của Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế).

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á –ASEAN, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Trong những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia vào đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập FTA với 15 nước trong khuôn khổ của 6 FTA khu vực. Đặc biệt, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có 2 dấu mốc quan trọng, đó là sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11/01/2007 sau 11 năm đàm phán và sự kiện Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán kéo dài suốt 5 năm (2010-2015) và chính thức thông qua vào ngày 05/10/2015.

Cơ hội và những thách thức đặt ra đối với DN Việt Nam

Việc tham gia ký kết các FTA song phương và đa phương, gia nhập WTO và tham gia TPP đã mở ra vô số các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Các hiệp định thương mại tự do với các cam kết cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa, dịch vụ tạo cho DN Việt Nam những cơ hội tiếp cận thị trường một cách toàn diện cả về xuất khẩu và nhập khẩu.

Một mặt, DN Việt Nam có thể nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào, trang thiết bị sản xuất với giá rẻ hơn, chất lượng cao hơn từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, các DN có thể đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ, đưa sản phẩm hàng hóa dịch vụ chiếm lĩnh những thị trường mới và giàu tiềm năng hơn.

Tham gia các FTA giúp Việt Nam tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này, giúp mở ra cơ hội hợp tác của các DN Việt Nam với các công ty, tập đoàn lớn của khu vực và thế giới, từ đó thúc đẩy một làn sóng đầu tư mới, cải thiện năng lực sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tận dụng các cơ hội xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.

Song song với những cơ hội, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tạo ra không ít thách thức cho các DN Việt Nam. Đầu tiên, sự cắt giảm thuế quan theo các cam kết với các FTA, cho dù phần lớn các cam kết đều được thực hiện theo lộ trình nhưng các DN Việt Nam sẽ nhanh chóng phải đối mặt với thời điểm hiệu lực hoàn toàn của các cam kết này.

Sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề sẽ phải chịu tác động trực tiếp của các điều khoản quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, mức độ an toàn và thân thiện của sản phẩm. Các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự tràn ngập các mặt hàng giá rẻ hơn, chất lượng cao hơn, an toàn và thân thiện hơn đến từ các nước có thế mạnh trong khu vực và trên thế giới.

Điều này có thể khiến cho các DN có năng lực cạnh tranh yếu, đặc biệt các DN trong những lĩnh vực ngành nghề dễ bị “tổn thương” như nông nghiệp, da giầy, may mặc... bị lấn lướt và thậm chí thua ngay tại thị trường nội địa.

Mặt khác, phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ, tiềm lực vốn và khoa học công nghệ yếu, thiếu nhân lực chất lượng cao và khả năng tiếp cận nắm bắt những cơ hội do hội nhập mang lại còn hạn chế. Điều này vô hình chung biến những cơ hội do hội nhập mang lại thành những khó khăn, thách thức.

Tăng cường quản trị rủi ro trong DN

Hoạt động trong nền kinh tế thị trường đầy biến động, các DN Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro - đó là tất cả các sự kiện có ảnh hưởng tiêu cực, tiềm ẩn khả năng gây ra thiệt hại, hoặc đã gây ra thiệt hại về mặt lợi ích cho DN.

Rủi ro mà DN có khả năng phải đối mặt rất phong phú và đa dạng. Mỗi loại rủi ro có đặc tính khác nhau và có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN trên khía cạnh và với mức độ khác nhau. Nhà quản trị cần tiến hành nhận diện rủi ro, phân tích và đánh giá rủi ro, cuối cùng là phản ứng với rủi ro.

Đầu tiên là quá trình nhận diện rủi ro, bao gồm việc xác định loại rủi ro sẽ tác động đến DN và ghi nhận về các đặc tính của rủi ro. Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh, rủi ro đối với DN bao gồm rủi ro bên trong và rủi ro bên ngoài.

Rủi ro bên trong là những rủi ro gây ra bởi các nhân tố bên trong DN liên quan đến việc huy động và sử dụng các nguồn lực của DN vào các hoạt động cụ thể và liên quan đến khía cạnh đạo đức, văn hóa DN (rủi ro hoạt động) và liên quan đến những hành vi vi phạm của DN đối với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước; các quy định nội bộ cũng như các cam kết của DN với bên ngoài (rủi ro tuân thủ).

Rủi ro bên ngoài, còn gọi là rủi ro kinh doanh, là rủi ro gây ra bởi các nhân tố bên ngoài DN bao gồm, các nhân tố thuộc môi trường vĩ mô (như chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ...) và nhân tố thuộc môi trường vi mô (nhà cung cấp, khách hàng, sản phẩm thay thế, đối thủ tiềm năng...). Những rủi ro đó lại bao gồm 2 loại, là rủi ro có thể né tránh và rủi ro không thể né tránh.

Để phân tích rủi ro bên ngoài đến từ môi trường vĩ mô, nhà quản trị phân tích 4 yếu tố thuộc môi trường vĩ mô theo mô hình PEST gồm: Chính trị (P- Political), Kinh tế (Economic –K), Xã hội (Social –S), Khoa học-Công nghệ (Technology-T), trong đó mỗi yếu tố được phân tích chi tiết theo các khía cạnh, biểu hiện của nó.

Để phân tích rủi ro bên ngoài đến từ môi trường vi mô, quản trị DN có thể phân tích mối đe dọa từ 5 lực lượng gồm nhà cung cấp, khách hàng, sản phẩm thay thế, đối thủ tiềm năng và đối thủ cạnh tranh trong Ngành (mô hình Five Forces của M. Porter).

Việc đánh giá rủi ro cần được dựa trên 2 yếu tố, là xác suất xảy ra rủi ro và mức độ ảnh hưởng khi rủi ro xảy ra, từ đó có thể xếp hạng được rủi ro mà DN phải đối mặt. Để đánh giá rủi ro, nhà quản trị có thể sử dụng ma trận đánh giá rủi ro, trong đó, xác suất xảy ra rủi ro và mức độ ảnh hưởng của rủi ro được xếp hạng theo 3 mức độ là cao, trung bình, thấp.

Cuối cùng là phản ứng với rủi ro, DN có thể lựa chọn cách thức đối phó với rủi ro phù hợp nhất.

Một là, né tránh rủi ro, tức là không thực hiện các hành vi có thể gây ra rủi ro.

Hai là, giảm thiểu rủi ro - là việc làm giảm các tác hại do rủi ro tác động đến DN.

Ba là, kiềm chế rủi ro, nghĩa là chấp nhận rủi ro để đổi lấy lợi nhuận; đồng thời, tiến hành các biện pháp để kiềm chế tác hại của rủi ro.

Bốn là, chuyển giao rủi ro - chuyển dịch đối tượng gánh chịu hậu quả rủi ro từ người này sang người khác bằng việc trả một khoản chi phí.

Năm là, chấp nhận rủi ro với những rủi ro không trọng yếu và không thể né tránh.

Phát huy vai trò của kiểm toán nội bộ

Những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế càng làm gia tăng rủi ro cho các DN. Càng nhiều biến động thị trường, càng nhiều yếu tố không chắc chắn, mối đe dọa đối với DN lại càng lớn. Mức độ thành công hay thất bại của DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của các rủi ro liên quan và việc các rủi ro đó được kiểm soát như thế nào. Do đó, các DN cần làm tốt công tác quản trị rủi ro thông qua việc sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp các công cụ kiểm soát và quản lý rủi ro.

Kiểm toán nội bộ (KTNB) là một trong số những công cụ đó. Việc tăng cường vai trò “người trợ giúp tổ chức hoàn thành mục tiêu qua việc đảm bảo về tính hiệu quả, hiệu lực của các quy trình kiểm soát” thông qua vai trò của KTNB, trợ giúp đắc lực cho công tác quản trị của rủi ro của DN trong bối cảnh hiện nay.

KTNB là một chức năng đánh giá độc lập đối với những hoạt động khác nhau của một tổ chức như là một sự trợ giúp đối với tổ chức. Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), KTNB là “một hoạt động đánh giá được lập ra trong DN như là một loại dịch vụ cho DN, có chức năng kiểm tra, đánh giá và giám sát tính thích hợp và hiệu quả của hệ thống kế toán và kiểm soát nội bộ” [IFAC (2003, tr.20].

KTNB được xem là “tai mắt” của quản lý DN thông qua việc sử dụng các chuyên gia có nhiệm vụ kiểm tra và soát xét tất cả các bộ phận và chức năng trong DN và báo cáo cho lãnh đạo DN các kết quả công việc của mình.

Để phát huy vai trò của KTNB trong quản trị rủi ro, DN cần tổ chức và duy trì chức năng KTNB trong DN một cách thích hợp. Trước hết về định hướng tiếp cận, KTNB tiếp cận theo định hướng rủi ro sẽ là giải pháp lựa chọn tốt nhất cho các DN trong bối cảnh hiện nay. KTNB trên cơ sở tiếp cận rủi ro đang là xu thế và ngày càng chứng minh tính tiến bộ, hiệu quả của mình trong vai trò đồng hành cùng quản lý DN.

KTNB tiếp cận định hướng rủi ro chú trọng vào những hoạt động quan trọng của DN, các rủi ro ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quan trọng đó, quan tâm đến toàn bộ kết cấu của DN chứ không chỉ là các hệ thống riêng biệt, chú ý đặc biệt đến những lĩnh vực mà không có sự xác định trách nhiệm rõ ràng hoặc bị chồng chéo giữa các chức năng.

Theo kết quả khảo sát năm 2007 của các tập đoàn kiểm toán lớn như Ernst and Young (E&Y) và Pricewaterhouse Coopers (PWC) về xu hướng phát triển của KTNB hiện nay, đều nhấn mạnh vào sự thay đổi trong việc nhìn nhận vai trò của KTNB trong quy trình quản lý rủi ro. Hơn nữa, PWC còn cho rằng, để tăng cường quy trình quản lý rủi ro của tổ chức KTNB cần phải thực hiện kiểm soát rủi ro liên tục và đánh giá rủi ro trên cơ sở toàn bộ tổ chức một cách thường xuyên. Nếu tổ chức chưa có hoặc có chưa đầy đủ quy trình quản lý rủi ro, KTNB sẽ thực hiện đánh giá rủi ro, đồng thời làm vai trò cố vấn cho tổ chức xây dựng quy trình quản lý rủi ro (nhận dạng, đo lường và quản lý rủi ro).

Điều kiện của cách tiếp cận này là kiểm toán viên phải hiểu biết sâu sắc về mục tiêu của tổ chức (thay đổi theo từng thời kỳ và từng tổ chức cụ thể), thiết lập hồ sơ rủi ro đầy đủ các thông tin liên quan, gồm cả ước lượng mức độ ảnh hưởng và biện pháp đối phó rủi ro. (David Griffiths, 2006):

Bên cạnh định hướng tiếp cận rủi ro, KTNB cần được mở rộng phạm vi, nội dung sang kiểm toán hoạt động theo hướng thực hiện các cuộc kiểm toán liên kết, trong đó trọng tâm là kiểm toán tính hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực. Từ đó, KTNB giúp đánh giá và xác định tính hiệu quả cũng như xem xét các bước kiểm soát nội bộ có được thực hiện hiệu quả hay không, qua đó xác định và cảnh báo các rủi ro trọng yếu ảnh hưởng đến hoạt động của DN và đưa ra các khuyến nghị và kế hoạch hành động.

Kết luận và kiến nghị

Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các FTA không chỉ mang lại cơ hội mà còn tạo ra thách thức, DN Việt Nam cần nắm bắt được cơ hội và vượt qua được thách thức. Muốn vậy, DN Việt Nam cần thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro thông qua việc quan tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy và công tác KTNB. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản trị rủi ro, chủ động nắm bắt cơ hội, mạnh dạn thay đổi, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại, nhanh nhạy tiếp nhận và xử lý thông tin.

Đối với Nhà nước, để DN trong nước đứng vững trong thời hội nhập sâu rộng phải nhờ đến sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước về các cơ chế, chính sách. Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là hệ thống pháp luật liên quan đến thương mại và đầu tư.

Tài liệu tham khảo:


1. David Griffiths (2006), Risk based Internal Auditing- three views on implementation;

2. IFAC (2003), International Standard on Auditing 610 – Considering the Work of Internal Audit, tr.20;

3. PGS.TS.Nguyễn Phú Giang, TS.Nguyễn Trúc Lê (2015), KTNB;

4. TS. Phan Trung Kiên (2015), KTNB trong DN;

5. Phil Griffiths (2005), Risk-based Auditing.