Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược tại Bảo Việt

PV.

Đó là chia sẻ của ông Đào Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) với phóng viên tại Lễ Phát động “Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2017” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và VBCSD phối hợp tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Phóng viên: Thưa ông, tại sao Bảo Việt thực hiện chiến lược phát triển bền vững?

Ông Đào Đình Thi: Phát triển bền vững đã trở thành là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trên toàn cầu hiện nay. Những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, những biến động về xã hội, sự gia tăng dân số toàn cầu, tốc độ đô thị hóa, phân hóa giầu nghèo, bất bình đẳng về cơ hội phát triển… đang tạo ra các ảnh hưởng mang tính hệ thống, vượt ra ngoài ranh giới các quốc gia và tác động trực tiếp tới các cơ hội tăng trưởng bền vững trong dài hạn của doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp không nhận thức đầy đủ và có kế hoạch ứng phó, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.

Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược tại Bảo Việt - Ảnh 1
Ông Đào Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt kiêm Phó Chủ tịch VBCSD trả lời phỏng vấn của báo chí tại Hội thảo.

Bảo Việt nhận thức được rằng để đạt mục tiêu phát triển bền vững thì bên cạnh việc đảm bảo tăng trưởng về mặt doanh thu và lợi nhuận, những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng cũng như nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cũng rất được quan tâm. Doanh nghiệp đóng vai trò như một nhân tố tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia. Và để làm được, chúng tôi cần sự chung tay của cả cộng đồng bao gồm ý thức của từng cá nhân và nỗ lực của cả tổ chức.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng dài hạn, doanh nghiệp cần phải chủ động và triển khai các hành động cụ thể để cải thiện xã hội và môi trường nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực lên hai nhân tố này. Chúng tôi xác định rằng, đầu tư cho các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững chính là đầu tư cho tương lai và dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn.

Vượt ra ngoài mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận và tối đa hóa các giá trị đem lại cho cổ đông, với vai trò là định chế tài chính - bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, chúng tôi hiểu cần phải thực hiện các đóng góp cho việc bảo vệ môi trường và xã hội vì một tương lai bền vững, vì một thế giới xanh tươi hơn, “khỏe mạnh” hơn, cho cuộc sống của chính chúng ta và các thế hệ tương lai.

Vậy ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm của Bảo Việt trong việc gắn kết phát triển bền vững vào hoạt động của doanh nghiệp?

Việc gắn kết phát triển bền vững trong chiến lược trung và dài hạn là tất yếu, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành; đồng thời doanh nghiệp cũng tạo dựng được hình ảnh với khách hàng, tăng sự gắn bó và hài lòng của người lao động, từ đó các chương trình kinh doanh của doanh nghiệp cũng dễ dàng được phát huy hiệu quả.

Tại Bảo Việt, toàn thể Ban lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn đều đồng thuận và cam kết trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững.

Để hiện thực hóa các mục tiêu bền vững, Bảo Việt đã cụ thể hóa các định hướng chiến lược phát triển bền vững thành những việc làm cụ thể như gắn kết Mục tiêu Phát triển bền vững của Thế giới trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020, đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn các yếu tố Kinh tế - xã hội và môi trường (ESG) trong chuỗi giá trị; bổ sung yếu tố ESG trong quy trình đầu tư góp vốn cổ phần và quản lý dự án.

Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược tại Bảo Việt, không chỉ được gắn kết chặt chẽ trong chiến lược kinh doanh mà còn được hiện thực hóa trong các hoạt động thực tiễn hàng ngày. Bảo Việt cũng triển khai nhiều chương trình có sự gắn kết của cán bộ nhân viên, con em cán bộ nhân viên trong các hoạt động chung tay vì cộng đồng nhằm kết nối người lao động và phát huy giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Được biết, Bảo Việt tiên phong thực hiện Báo cáo Phát triển bền vững năm 2016 theo tiêu chuẩn quốc tế GRI và CSI Việt Nam. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?

Ông Đào Đình Thi: Là doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động phát triển bền vững, Bảo Việt đã thực hiện đánh giá theo các tiêu chí thuộc Bộ Chỉ số CSI cũng như tiên phong áp dụng Bộ tiêu chuẩn quốc tế về lập Báo cáo Phát triển bền vững (GRI Sustainability Reporting Standards 2016) trong Báo cáo Phát triển bền vững năm 2016.

Điều này giúp chúng tôi đánh giá mức độ tích hợp các yếu tố ESG (kinh tế - xã hội – quản trị doanh nghiệp) trong quá trình hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững của Bảo Việt. Bên cạnh đó, năm nay, Bảo Việt còn thực hiện kiểm toán nội bộ đối với các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính do Khối Kiểm toán nội bộ, Tập đoàn Bảo Việt triển khai.

Các tiêu chí trong CSI giúp đánh giá chính xác hơn mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp, tập trung vào ba nhóm yếu tố trọng điểm là chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu xã hội và môi trường.

GRI Sustainability Reporting Standards là phiên bản mới nhất và chuẩn mực quốc tế cao nhất về lập Báo cáo phát triển bền vững, dự kiến chính thức áp dụng từ năm 2018. Các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chuẩn GRI Standards là phiên bản được nâng cấp từ GRI4 Guidelines và được cấu trúc lại nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện báo cáo thuận tiện, minh bạch và hiệu quả hơn. 

Nhân sự kiện Lễ ra mắt Bộ chỉ số CSI ngày hôm nay, xin ông làm rõ thêm ý nghĩa của Bộ chỉ số này đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Bảo Việt ghi nhận và đánh giá rất cao việc áp dụng Bộ Chỉ số Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (CSI). Lần đầu tiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, phạm vi hoạt động đã có một thước đo chuẩn mực để chủ động đánh giá về thực tiễn triển khai hoạt động phát triển bền vững tại doanh nghiệp.

Bảo Việt cho rằng việc tổ chức Chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững nói chung và việc tiếp tục áp dụng Bộ Chỉ số CSI nói riêng là bước đi cần thiết để nâng cao nhận thức và thúc đẩy kinh doanh bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng rằng chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững sẽ lan tỏa ý nghĩa và động lực cho cộng đồng 500.000 doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng bền vững, để từ đó, hình ảnh và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và trở thành thương hiệu quốc gia và là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam.

Là thành viên Ban Điều hành VBCSD, Bảo Việt sẽ đóng góp gì cho hoạt đồng của VBCSD, thưa ông?

Là thành viên Ban Điều hành VBCSD, Bảo Việt cam kết sẽ chung tay cùng Ban Điều hành VBCSD trong các hoạt động thường niên về phát triển bền vững nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững đối với doanh nghiệp, cộng đồng cũng như toàn xã hội, đồng thời thúc đẩy kinh doanh theo hướng phát triển bền vững và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thông qua các thực tiễn tốt trên thế giới về phát triển bền vững và hội nhập kinh tế; thúc đẩy nhân rộng áp dụng bộ chỉ số bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!