Phát triển điện hạt nhân: Nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp Việt

Phan Vũ

(Tài chính) Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một lĩnh vực mới mà các công ty Việt Nam chưa từng tham gia. Tuy nhiên, Việt Nam có rất nhiều đơn vị giàu kinh nghiệm trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp này đều có đủ năng lực để trở thành những nhà thầu phụ trong dự án phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Rosatom đã có gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hạt nhân, chuyên cung cấp công nghệ và các giải pháp ngành công nghiệp hạt nhân.
Rosatom đã có gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hạt nhân, chuyên cung cấp công nghệ và các giải pháp ngành công nghiệp hạt nhân.
Thông tin trên được ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối Phát triển Quốc tế của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) - Nhà thầu chính của dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cho biết mới đây.

Không hạn chế doanh nghiệp tham gia dự án

Theo ông Nikolay Drozdov, điều quan trọng là các doanh nghiệp thầu phụ của Việt Nam phải nắm được quy trình tuyển chọn của nhà thầu chính. Quy trình này không quá phức tạp hay đặc biệt nhưng có những nguyên tắc cụ thể: dựa trên cơ sở minh bạch, trung thực, đặc biệt là đảm bảo chất lượng. Đối với nhà máy điện hạt nhân, yếu tố an toàn, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Các dự án điện hạt nhân hiện nay của Rosatom đều thoả mãn tất cả các yêu cầu về an toàn trên thế giới, đặc biệt sau sự cố Fukushima. Để đảm bảo độ an toàn cao, chúng tôi đặt ra yêu cầu cụ thể đối với tất cả các đơn vị muốn tham gia.

Nguyên tắc của Rosatom là không hạn chế số lượng các doanh nghiệp tại nước sở tại tham gia dự án. Tuy nhiên, một số thiết bị chuyên dụng chỉ sản xuất tại Nga như thiết bị chính của lò phản ứng chiếm khoảng 25% giá trị nhà máy điện hạt nhân. Đây là những thiết bị đóng vai trò cốt lõi trong nhiệm vụ đảm bảo an toàn. Vì vậy, ngoài 25% kể trên, các doanh nghiệp tại nước sở tại có thể đảm nhiệm phần còn lại nếu họ đủ năng lực. Điều quan trọng là các doanh nghiệp đó có nguyện vọng tham gia dự án hay không. Khi tham gia dự án, các đơn vị này phải sẵn sàng cho các khoản đầu tư nhất định như nâng cấp cơ sở hạ tầng hay đào tạo nhân lực.

Cơ hội trong nhiều lĩnh vực
Điện hạt nhân là một lĩnh vực mới ở Việt Nam. Vì vậy, cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt khi trở thành nhà thầu phụ chủ yếu liên quan đến việc nội địa hoá trong quá trình xây dựng và cung ứng vật tư. Ông Nikolay Drozdov cho biết, dựa trên kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc và Ấn Độ, có khoảng từ 30% đến 40% là tỷ lệ nội địa hoá dễ đạt được.

Bên cạnh đó, xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ tác động, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học, hay mạng lưới điện tập trung ở xung quanh khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Theo nghiên cứu của Rosatom, 1 việc làm trong nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra 5 việc làm khác trong các lĩnh vực liên quan. Đây là một hệ số rất cao. Vì vậy, không chỉ là các nhà thầu phụ của dự án, các doanh nghiệp khác trong nước cũng có nhiều cơ hội trong việc cung ứng nhiều dịch vụ khác không chỉ phục vụ cho dự án mà cho cả nguồn nhân lực khổng lồ tham gia dự án.

Một thế mạnh của Rosatom đó là khả năng cộng tác tích cực với các công ty địa phương có năng lực làm thầu phụ cho dự án. Dự án khi được thực hiện sớm thì các doanh nghiệp thầu phụ Việt Nam sẽ sớm thực hiện hợp đồng hợp tác, sớm có điều kiện tham gia một công trường lớn, dự án dài hạn có nguồn kinh phí ổn định.

“Nếu có thể thực hiện dự án này sớm, trong lộ trình cho phép, thì sẽ có lợi cho các đơn vị kinh tế của Việt Nam và nền kinh tế nói chung”, ông Nikolay Drozdov khẳng định.

Hiện nay, nhiều công việc chuẩn bị cho xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được hoàn tất như: khảo sát địa chấn, đánh giá nguy cơ động đất toàn diện, khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân được thực hiện trong khuôn khổ nghiên cứu khả thi… Các tư liệu cần thiết, bao gồm cả nghiên cứu khả thi, đã được chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đánh giá và nghiên cứu. Ngoài ra, các chuyên gia của Rosatom cũng đang duy trì đối thoại với cả các chuyên gia của IAEA và Việt Nam về thiết kế chương trình phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân.