Phát triển doanh nghiệp đón cơ hội từ hội nhập

Theo daibieunhandandan.vn

Theo tính toán của các chuyên gia, để tận dụng hiệu quả tác động của các hiệp định thương mại thế hệ mới đã và sẽ được nước ta ký kết, thì cần phát triển số lượng doanh nghiệp lên đến 2 triệu đơn vị. Vậy giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này khi hiện nước ta chỉ có 800.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 400.000 đơn vị đang thực hoạt động?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, cả nước có 830.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, trong đó chỉ có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ tồn tại trên 60% - cao hơn ở Mỹ, châu Âu và chỉ thấp chút ít so với Anh.

Và trong 8 tháng qua, cả nước có trên 61.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký trên 376.000 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm của các doanh nghiệp gần 858.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 8 tháng qua, đã có 11.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động - là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế.

Nhưng trong khoảng thời gian này, số lượng doanh nghiệp giải thể, buộc phải tạm ngừng hoạt động cũng không nhỏ (trên 6.200 doanh nghiệp giải thể, trên 39.000 doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động).

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập hiện nay là một con số ấn tượng so với 20 năm trước (cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp). Tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, tỷ suất doanh nghiệp tư nhân bình quân đầu người còn thấp, bình quân hiện có 40 doanh nghiệp/10.000 dân. Số liệu này chênh lệch lớn với các quốc gia lân cận như Trung Quốc đã có 140 doanh nghiệp/10.000 dân từ 10 năm trước, còn Nhật Bản có 400 doanh nghiệp/10.000 dân từ 40 năm trước.

Doanh nghiệp nhiều, thì số lượng việc làm được tạo ra, số nộp ngân sách sẽ rất lớn, cũng như là một công cụ hiệu quả để giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống.

Nhưng tỷ suất doanh nghiệp bình quân đầu người của nước ta không chỉ có khoảng cách lớn với các quốc gia lân cận, mà quy mô của doanh nghiệp hiện có xu hướng nhỏ đi so với 10 năm trước. Đa số doanh nghiệp ở nước ta hiện đều dừng ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ (có dưới 50 lao động), khiến họ đang đánh mất thêm nhiều cơ hội về quy mô, vì nếu quy mô lớn sẽ có thêm nhiều lợi thế, nhất là khả năng chi phối phân khúc thị trường.

Mặt khác, do quy mô doanh nghiệp càng nhỏ, nên năng lực tài chính của đa số đơn vị đều đang giảm sút, tỷ lệ thua lỗ cao và khó tham gia vào chuỗi cung ứng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của quốc gia khi hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) Đặng Đức Thành cho biết, thông thường, để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số.

Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhưng nước ta chỉ có 800.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có khoảng 400 nghìn đơn vị đang hoạt động. Số liệu thống kê cuối năm 2014 cũng cho thấy, có khoảng gần 70% doanh nghiệp hoạt động không có lãi, nên không thể đóng thuế.

Trái ngược với sự giảm sút của doanh nghiệp tư nội địa, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) càng có ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế nước ta. Trong năm 2013 và 2014, doanh nghiệp FDI đều đóng góp cho gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, còn doanh nghiệp trong nước đóng góp ít hơn và phần nhiều đều nhập siêu.

Tạo ra nhiều doanh nghiệp là nhu cầu bức thiết của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu sắp tới. Bởi ngay cả các sản phẩm nông nghiệp mà nước ta có lợi thế cũng đứng trước nguy cơ thua trên sân nhà khi hàng rào thuế nhập khẩu được dỡ bỏ.

Người nông dân không thể sống dựa vào các mảnh ruộng con con, nên cần nơi tiếp nhận lực lượng lao động dôi dư khá lớn từ khu vực nông thôn - nông nghiệp. Về nguyên tắc, nơi tiếp nhận lực lượng lao động dôi dư này phù hợp nhất là doanh nghiệp, vì không chỉ cung cấp việc làm ổn định, mà còn cung cấp các chế độ an sinh xã hội, không để lại những hệ lụy xã hội nếu như làm việc tại khu vực phi chính thức.

Vì vậy, yêu cầu với các cơ quan chức năng là phải có giải pháp để khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là bảo đảm cho các đơn vị này đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả.