Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp: Ứng dụng khoa học, tăng cường liên kết

Theo daibieunhandan.vn

Để phát triển nông nghiệp, doanh nghiệp phải chủ động trong xây dựng các mô hình liên kết, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia tại diễn đàn Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và VCCI tổ chức sáng 8/9.

Phát triển thiếu bền vững

Đánh giá về ngành nông nghiệp nước ta, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay nước ta đã đáp ứng đủ nhu cầu cho hơn 90 triệu dân và nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt thứ hạng cao trên thế giới.

Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm, phát triển kém bền vững.

Cụ thể năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn như giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không bảo đảm và khả năng sinh lời thấp.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp.

Lý do các doanh nghiệp ít đầu tư vào nông nghiệp được chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành chỉ ra rằng, sản xuất nông nghiệp rủi ro cao, độ co giãn tiêu dùng nông sản là rất thấp; bảo hiểm về nông nghiệp đã triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả; thực hiện theo mô hình liên kết, nhưng các doanh nghiệp trong chuỗi lại không hợp tác với nhau, hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa bền chặt. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp chỉ như làm từ thiện.

Số liệu thống kê của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm. Năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% các doanh nghiệp được điều tra (chỉ có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp so với tổng số 420.251 doanh nghiệp hoạt động được điều tra).

Đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ cấu của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96,53% tổng số doanh nghiệp; có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 47,63%), tiếp đến là thủy sản (chiếm 35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (chiếm 16,94%).

Cần đột phá về chính sách

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới hạn chế, yếu kém của ngành, từ đó có những giải pháp phù hợp và hiệu quả, đặc biệt là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn hiện tại chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành.

Hiện tại, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước (thống kê của năm 2014).

Cùng với đó, việc đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào nông nghiệp vẫn còn thấp, thiếu ổn định; số lượng doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

10 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 1.814 doanh nghiệp tăng 69,37% so với cùng kỳ năm 2014; tuy nhiên, số ngừng hoạt động và giải thể cũng khá lớn 2.019 doanh nghiệp tăng 77,11% so với cùng kỳ năm 2014.

Do vậy, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhiều chuyên gia đề nghị, Nhà nước cần có những đột phá về chính sách, cần phải xóa bỏ tư duy xin - cho, đặc biệt là tránh ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng tình với việc hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm. Bởi vì bản chất của thị trường là cạnh tranh, nhưng cạnh tranh phải có quy mô, nếu quy mô nhỏ thì không cạnh tranh được.

Nhà nước cần tích tụ đất đai cho những người sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thay đổi cách thức hỗ trợ của Nhà nước. Chủ yếu là tạo môi trường chung, chỉ đầu tư vốn vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao như kết cấu hạ tầng, công nghệ, hoặc doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro.

Nếu rủi ro Nhà nước sẽ chịu một phần còn doanh nghiệp làm ăn có lãi phải trả lại khoản đầu tư Nhà nước đã hỗ trợ. TS. Võ Trí Thành bổ sung, bên cạnh những việc làm trên, rất cần nêu rõ một số vấn đề lớn của nông nghiệp hiện nay là quyền tài sản được quy định trong Luật Đất đai. Hiện nay các doanh nghiệp tham gia nông nghiệp đều rất khát nguồn đất sản xuất.

Ngoài ra, môi trường cạnh tranh, thị trường đầu vào khó khăn, sự méo mó của thị trường vốn, đất đai, lao động và chi phí giao dịch cao cũng là vấn đề không nhỏ đối với nông nghiệp. Chính vì vậy, muốn giải được bài toán hút doanh nghiệp vào nông nghiệp thì cần khắc phục những vấn đề này, ông Thành nói.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định; số lượng doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 10,6%, thấp hơn so với mức tăng của doanh nghiệp nói chung là 10,9%/năm; tỷ trọng doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản so với doanh nghiệp cả nước cũng giảm từ 1,01% năm 2010 xuống còn 0,96% năm 2014; đa phần là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm khoảng 55%).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn

Nguyễn Xuân Cường