Phát triển kinh tế tư nhân: Chính phủ hành động, doanh nghiệp cũng cần đổi thay

Theo Tạp chí Chứng khoán số T8/2017

Với tinh thần hướng về doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, Chính phủ đang nỗ lực hành động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển động mạnh mẽ

Chủ trương, đường lối phát triển kinh tế tư nhân đã được Đảng, Nhà nước thể hiện qua hàng loạt chính sách được ban hành. Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành một Nghị quyết dành riêng đầu tiên về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển đất nước. “Đây là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” diễn ra ngày 31/7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân sâu sắc, toàn diện hơn bao giờ hết, mà Nghị quyết của Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, kinh tế tư nhân còn là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

“Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ và khẳng định tinh thần “những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.

Điểm lại thời gian qua, với 25 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, những buổi làm việc chuyên đề về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, phát triển ngành tôm…, Thủ tướng Chính phủ cho biết tính bình quân không có ngày nào mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp, về chủ đề doanh nghiệp. Từ đó, một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật đã được ban hành. Những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế được nhận diện và xử lý.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam có sự cải thiện rất tốt, tích cực hơn thời điểm này của năm trước.

Năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp. Tiếp tục xu thế phục hồi này của doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng năm 2017 đạt 18,8 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2016.  Trong 7 tháng qua, có 73.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn; có 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5% so với cùng kỳ của năm 2016.

Điều này thể hiện khung pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường.

Tuy vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung còn nhiều khó khăn. Trong 7 tháng qua, có 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 16,2% và trên 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 24,5%. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có 43.000 doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là trong vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng…

Xét theo quy mô vốn, theo Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước hiện chiếm 94,8%. Dù có những đóng góp ngày càng quan trọng cho nền kinh tế đất nước song quy mô của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ và chưa thực sự có sự cải thiện qua nhiều năm.

Doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ năng lực tài chính để đầu tư vào tài sản cố định, máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Do đó, khu vực doanh nghiệp này tham gia vào phát triển chuỗi rất thấp, mặc dù khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện diện trong nền kinh tế ở nhiều mặt, nhưng tác động lan tỏa, đặt hàng công việc và tạo dựng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân rất ít.

Những khó khăn của doanh nghiệp cần kíp được tháo gỡ kịp thời

Trong chặng đường ngay trước mắt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017 là 6,7%. Quý I đạt mức tăng trưởng 5,15% và quý II đạt mức tăng trưởng 6,1%. Sáu tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,6% và quyết tâm 6 tháng còn lại của năm phải đạt tăng trưởng 7,43% để có mục tiêu chung của cả năm 2017 là tăng trưởng 6,7% từ các biện pháp tích cực của các ngành, các lĩnh vực.

Thông báo tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 được tổ chức vào ngày 3/8/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa rồi là chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức. Theo báo cáo của Bộ Tài chính đề xuất, có thể giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30% - 35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.

Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế theo luật định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến tiếp cận, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục.

Hiện nay, vẫn còn 5.719 điều kiện kinh doanh. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sẽ rà soát lại toàn bộ các thủ tục và giảm thủ tục. Nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Bộ ít nhất cũng còn 106 điều kiện kinh doanh là Bộ Xây dựng với 17 ngành nghề.

Đáng chú ý là vấn đề cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi phí logistic, vận tải biển, đặc biệt là chi phí, hiện tượng chênh lệch giá hãng tàu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nhiều biện pháp, nhất là công khai, minh bạch những khoản chi phí không chính thức, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao.

Đối với việc tiếp cận dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế hải quan, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và yêu cầu của doanh nghiệp là phải giảm nhiều hơn nữa.

Thẩm quyền giảm chi phí cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Doanh nghiệp cũng cần đổi mới cách làm

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017, qua thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân với câu hỏi là trong các thông điệp của Chính phủ thì doanh nghiệp mong muốn tiêu chí nào nhất (liêm chính, kiến tạo và hành động). Kết quả cho thấy 65% ý kiến chọn hành động, 24% chọn liêm chính và 11% chọn kiến tạo.

Trước kết quả này, Thủ tướng đã nêu rõ: Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50% - 60% GDP.

Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó, tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp.

Doanh nghiệp cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…

Đối với doanh nghiệp tư nhân, cần liên kết, gắn kết, cùng phát huy thế mạnh, lợi thế của nhau, xác định các mũi nhọn cụ thể, tránh phong trào, dàn hàng ngang; nắm rõ thị trường, hiểu thị trường; lường trước những rủi ro, khó khăn; đổi mới sáng tạo, năng động, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với doanh nghiệp, xem những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của Bộ, ngành mình. Trước hết là thể chế chính sách phải phù hợp, phải sửa đổi kịp thời hơn.

Với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cần liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. Tạo dựng sẵn các nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đặc thù… để nhà đầu tư không phải chờ đợi.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ ngành Ngân hàng cần nhận thức việc doanh nghiệp khó khăn tiếp cận nguồn vốn có phần trách nhiệm của mình. Hơn lúc nào hết, ngành Ngân hàng cần hiểu thấu đáo các quy trình sản xuất, khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt.

Thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định NHNN đã giữ ổn định mặt bằng lãi suất mặc dù có sức ép tăng do lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 ở mức cao.

Khác với các năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế đã liên tục tăng nhanh và đều qua các tháng từ đầu năm, không có tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước; đến ngày 30/6/2017 tăng 9,06% so với cuối năm trước và là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng khẳng định, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống, tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại.

Trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, NHNN đã chỉ đạo và kể từ ngày 10/7/2017, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

“Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay khoảng 6% - 6,5% đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8% - 10% đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4% - 5%/năm”, Thống đốc NHNN khẳng định.

Một chuyên gia nhận định với triển vọng kinh tế thế giới như hiện nay, triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất thì sẽ tăng chậm. Gần đây nhất, ngày 26/7, FED quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản. Đồng USD có khả năng đã đạt đỉnh từ cuối năm ngoái và sẽ không tăng mạnh trở lại nữa, Việt Nam sẽ không chịu sức ép từ tỷ giá nhiều. Đây là những điều kiện thuận lợi để NHNN giảm lãi suất VND theo chỉ đạo của Chính phủ.             

Tất nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn thì bản thân doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn vay vốn nhưng vốn rẻ, thủ tục vay vốn thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn lực cho kinh doanh.

Kỳ vọng những nỗ lực hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cả chính các doanh nghiệp sẽ đem lại những kết quả trong thực tế, tạo bước phát triển mới cho khối doanh nghiệp và nền kinh tế.